Ngày 25/1, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU), Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết đơn vị này đang điều trị cho bé T.T. (7 tuổi, ngụ tại Cà Mau) mắc chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp.
Trước đó, bé gái đột ngột xuất hiện tình trạng nuốt khó, ú ớ không thể nói chuyện được, lơ mơ, mất dần khả năng đi lại. Gia đình đưa bé cấp cứu tại bệnh viện tỉnh và được đơn vị này chuyển gấp đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
|
Bé gái ở Cà Mau mắc bệnh Guillain-Barré hiếm gặp hồi phục sức khỏe sau 16 ngày truyền thuốc. Ảnh: BSCC.
|
Qua xét nghiệm dịch não tủy và khai khác bệnh sử yếu tứ chi của bé, các bác sĩ chuyên khoa thần kinh và ICU hội chẩn và nghi ngờ khả năng bé mắc bệnh Guillain-Barré. Đây chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp, trong đó, hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm một phần của hệ thần kinh ngoại vi.
Các bác sĩ nhanh chóng sử dụng Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IGIV - thuốc gây miễn dịch thụ động) để ngăn chặn diễn tiến bệnh.
"Ban đầu, chúng tôi dự đoán bé có thể mất đến 6 tháng để điều trị, phục hồi chức năng. Nhưng sau thời gian nạp thuốc, bệnh nhi khiến chúng tôi bất ngờ với khả năng hồi phục nhanh chóng. Bé đạt các mốc quan trọng trong vật lý trị liệu rất nhanh và cai được máy thở, tỉnh táo hẳn chỉ trong 16 ngày", bác sĩ Phương Vũ cho biết.
So với sức cơ chỉ còn 1/5 thời điểm nhập viện, hiện bé có thể dùng tay tạo dáng chụp ảnh cùng y bác sĩ và khả năng được xuất viện sớm.
Hội chứng Guillain-Barré là bệnh lý thần kinh ngoại vi hiếm gặp. Bệnh cảnh lâm sàng điển hình là liệt ngoại vi cấp tính, rối loạn cảm giác và mất phản xạ đối xứng hai bên, một số trường hợp có liệt các dây thần kinh sọ kết hợp.
Đây là bệnh lý nghiêm trọng, khó dự đoán và dễ dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong. Người bệnh cần nhập viện khẩn cấp vì nó tiến triển rất nhanh. Việc điều trị càng sớm sẽ mang lại tiên lượng tốt hơn.
Người mắc hội chứng này thường xuất hiện cảm giác ngứa ngáy, châm chích, kiến bò ở các ngón chân, ngón tay, sau đó lan lên phần trên cơ thể, sức cơ yếu dần, khó thở khi nằm, sặc, khó nuốt...
Theo Bích Huệ/Zing