Trong bài phỏng vấn mới nhất của mình, diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc chia sẻ cô mắc bệnh đau dạ dày kinh niên.
Diễn viên 9X cho hay có thời gian cô vì muốn thay đổi hình tượng đẹp hơn nên chủ động nhịn ăn, nhịn dần trở thành thói quen. Trong một ngày, người đẹp này có thể nhịn cả bữa trưa, tối, khi mệt lại chỉ uống nước ngọt. Chính điều này dẫn đến những vấn đề sức khỏe.
|
Bệnh đau dạ dày của Ninh Dương Lan Ngọc nếu kéo dài lâu có nguy cơ dẫn đến ung thư. |
Đến khi bị bệnh đau dạ dày hành hạ dữ dội, người đẹp này mới hạn chế thói quen nhịn ăn và uống nước ngọt. Vừa qua, nữ diễn viên sinh năm 1990 sang Singapore kiểm tra tổng quát và chữa bệnh loét dạ dày nặng. "Bác sĩ cho biết dạ dày của tôi bị loét nặng, chảy máu nhiều. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dễ dẫn đến ung thư" - cô cho biết.
Các bác sĩ Bệnh viện K cho biết, ung thư dạ dày là một trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Tại Việt Nam, năm 2018 có hơn 17.000 ca mắc mới và hơn 15.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Tại Bệnh viện K, mỗi năm có khoảng trên 2.000 ca phẫu thuật ung thư dạ dày.
Video "Bí quyết ăn chay thế nào để tốt cho sức khỏe". Nguồn: CSHP.
TS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, cho biết có nhiều thói quen ăn uống của người dân khiến nguy cơ ung thư dạ dày tăng cao. Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, người có thói quen ăn nhiều đồ muối, hun khói, ăn nhiều thịt, ít chất xơ, ít rau, những người béo phì có tỷ lệ ung thư dạ dày cao hơn.
Viêm loét dạ dày là tên gọi chung của các bệnh đau dạ dày. Tùy theo vị trí của vết viêm, vết loét mà các bệnh có tên gọi khác nhau, ví dụ như đau thượng vị dạ dày, viêm hang vị, viêm bờ cong nhỏ, loét hang vị, viêm tâm vị...
Viêm loét dạ dày có thể gây ra nhiều biến chứng, trong đó có hẹp môn vị dạ dày, thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hoá, nặng nề hơn là ung thư dạ dày.
|
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ để tầm soát ung thư dạ dày. |
Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân gây ung thư dạ dày, nhưng thói quen ăn uống thất thường, chế đồ ăn nhiều muối khiến lượng muối đưa vào cơ thể quá nhiều, gây quá tải cho hệ tiêu hóa… là nguyên nhân chủ yếu.
Chế độ ăn không chỉ tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp… mà còn thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn HP, loại vi khuẩn gây viêm loét niêm mạc dạ dày, gây trào ngược axit, viêm loét và lâu dần dẫn đến ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày là bệnh lý ung thư đường tiêu hóa phổ biến nhưng ung thư dạ dày giai đoạn đầu thường có những triệu chứng mơ hồ. Người bệnh thường có cảm giác như đau bụng, chán ăn, có máu trong phân, có các triệu chứng về bệnh liên quan đến dạ dày như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày... Chính vì triệu chứng không rõ ràng, người dân thường bỏ qua việc khám tầm soát ung thư làm ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Với ung thư dạ dày, nên định kỳ nội soi dạ dày mỗi năm 1-2 lần, nếu kết quả bình thường thì có thể cách 2 năm nội soi một lần. Từ ngoài 40 tuổi nên tầm soát ung thư.
Thảo Nguyên