Bé trai suýt vỡ lá lách vì được chẩn đoán trào ngược thực quản

Google News

Bé trai T.G.B. (3,5 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) được các bác sĩ chẩn đoán trào ngược thực quản, nhưng sau đó lá lách của bé trai này bất ngờ to lên, kéo dài đến tận rốn, có nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí - Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) kiểm tra lại lá lách của bé trai T.G.B. (3,5 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) - Ảnh: H.Q 
Ngày 16/4, bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho hay bệnh viện vừa can thiệp thành công 1 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh tăng áp tĩnh mạch cửa, rất hiếm.
“Bé trai này bị tăng áp tĩnh mạch cửa do hẹp tắc một đoạn của tĩnh mạch lách nên máu từ lách ra không có chỗ thoát gây ứ máu ở lách, ứ máu ở các tĩnh mạch làm giãn các tĩnh mạch từng búi, làm lách to ra. Theo y văn thế giời thì đây là một bệnh lý rất hiếm và cũng chưa có một hướng dẫn nào để điều trị bệnh lý này”, bác sĩ Hiếu cho biết.
Tuy nhiên theo bác sĩ Hiếu, nếu tình trạng trên không xử lý thì bé sẽ ói ra máu, tiêu ra máu do các tĩnh mạch trên giãn quá nhiều; thậm chí bé sẽ bị vỡ lá lách lá lách ngày càng lớn chỉ cần bé va chạm nhẹ bên ngoài cũng sẽ vỡ.
Trước tình trạng trên đã quyết định làm “một chiếc cầu vượt” giúp cho máu từ lách thoát ra, không gây ứng.
"Chiếc “cầu vượt” mà chúng tôi sử dụng là một đoạn mạch máu cổ dài 10cm với đường kính phù hợp để nối từ tĩnh mạch lách sang tĩnh mạch treo tràng trên giúp cho máu thoát ra. Sau khi làm “cầu vượt” để nối tĩnh mạch lách với tĩnh mạch treo tràng trên đã cho ra một kết quả rất ngoạn mục, lưu lượng máu đi qua cầu nối rất tốt, các tĩnh mạch đã xệp, lá lách xuống chỉ còn 100mm. Hiện, các chỉ số đã trở lại gần như bình thường”, bác sĩ Đào Trung Hiếu cho biết.
Theo người nhà bệnh nhi T.G.B, trước đó, bé trai này thường xuyên bị viêm mũi, viêm miệng và trào ói ra mũi, gia đình đưa cháu đi khám ở nhiều cơ sở y tế, các bác sĩ đều chẩn đoán cháu bị trào ngược thực quản, nhưng điều trị không dứt.
Sau đó, người nhà phát hiện ở vùng hạ sườn bên trái của bé có một cục cứng, ấn vào bé cảm thấy đau nên đã chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây, các bác sĩ phát hiện bé bị giãn tĩnh mạch bất thường, lá lách to với chiều cao đến 110mm nhưng chỉ cho thuốc về nhà uống để bảo toàn lá lách.
Tuy nhiên khoảng 6 tháng sau, bé lại tiếp tục nôn ói và đau bụng dữ dội nên gia đình đưa cháu trở lại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí - Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết lần thứ 2 quay lại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện lá lách của bệnh nhi to lên rất nhiều, với chiều cao lên đến 140mm kéo dài tận rốn; nhiều tĩnh mạch bị giãn rất to dọc theo bờ cong của dạ dày. Lúc này, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị tăng áp tĩnh mạch cửa khu trú.
Theo nhận định của bác sĩ Chí, việc tăng áp tĩnh mạch cửa khu trú của bệnh nhi này là do bị hẹp tắc tĩnh mạch lách đoạn sau tụy. Trong khi đó lá lách của bệnh nhân đang to lên một cách bất thường nên buộc phải can thiệp bằng ngoại khoa, nếu không bệnh nhi sẽ ói ra máu, tiêu ra máu, nguy hiểm nhất là lá lách quá lớn sẽ bị vỡ khi va chạm bên ngoài.
Theo Hồ Quang/Một thế giới