Vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi Thanh Hóa vừa tiếp nhận ca bệnh trẻ 2 ngày tuổi nhập viện trong tình trạng nôn trớ, đi ngoài máu tươi, kèm biểu hiện suy hô hấp.
Nhận định đây là trường hợp có tình trạng cấp cứu, trẻ được khẩn trương thăm khám và làm các chỉ định cận lâm sàng: XQ, Siêu âm, các xét nghiệm cần thiết. Bệnh nhân được chẩn đoán là xoắn trung tràng với tiên lượng rất nặng.
Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn toàn viện với sự chủ trì BS.CKII.Nguyễn Viết Hải, Phó giám đốc Bệnh viện cùng các bác sỹ khoa Ngoại tổng hợp, bác sỹ Gây mê, Hồi sức tích cực sơ sinh quyết định mổ cấp cứu.
Trong mổ thấy tổn thương có hình ảnh ruột thâm, chấm xuất huyết hoại tử, trẻ được kíp phẫu thuật tháo xoắn, cố định manh tràng, sau hơn 1 giờ tiến hành phẫu thuật ca mổ đã kết thúc an toàn.
Trẻ tiếp tục được điều trị đặc biệt tại khoa Hồi sức tích cực sơ sinh bằng kháng sinh, bù dịch, chăm sóc vết mổ, dinh dưỡng. Sau 19 ngày điều trị, trẻ ổn định, bú tốt và được xuất viện.
|
Chăm sóc cho trẻ sau phẫu thuật - Ảnh: BVCC |
Trung tràng là danh từ bào thai học chỉ một phần ống tiêu hóa kể từ bóng Vater đến giữa đại tràng ngang. Trong quá trình phát triển của ống tiêu hóa nguyên thủy, trung tràng quay quanh trục động mạch mạc treo tràng trên và được cố định vào thành bụng để hình thành nên đoạn tá tràng dưới bóng Vater, toàn bộ ruột non, manh tràng, đại tràng lên và nửa đại tràng ngang bên phải.
Tuy nhiên, trong quá trình quay và cố định của ruột có thể diễn ra không bình thường, khi đó toàn bộ ruột non và một phần đại tràng chỉ được cố định vào thành bụng sau bởi một mạc treo rất hẹp làm cho trung tràng dễ bị xoắn và tạo nên bệnh cảnh lâm sàng đặc biệt – Xoắn trung tràng.
Đây là một ca bệnh khó, ít gặp, tỷ lệ mắc xoắn trung tràng trên thế giới từ khoảng 1/600 đến 1/500 trẻ sống sau sinh, ở Việt Nam chưa có số liệu thống kê cụ thể. Tuy hiếm gặp nhưng xoắn trung tràng có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng do toàn bộ ruột non và một phần đại tràng có thể bị hoại tử.
Các bậc phụ huynh khi chăm sóc trẻ sơ sinh nên chú ý về dinh dưỡng, tiêu hoá của trẻ, cùng tình trạng vàng da nếu có. Nếu thấy trẻ có biểu hiện quấy khóc, thường xuyên nôn, có dịch vàng khi nôn, bụng chướng, đi ngoài ra máu mà không rõ nguyên nhân, gia đình cần sớm đưa trẻ tới bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Tuyệt đối không được tự chữa trị cho trẻ tại nhà vì có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Thúy Nga