Trang Sohu (Trung Quốc) thông tin, một bé trai 8 tuổi nặng 65kg, cao 1m31 nhập viện do tai nạn ô tô. Sự cố khiến bệnh nhân gãy trục xương đùi phải.
Quá trình thăm khám, bác sĩ nhận thấy cậu bé bề ngoài khỏe mạnh song huyết áp rất cao. Theo dõi cho thấy, huyết áp tay trái bệnh nhân là 145/96mmHg, huyết áp tay phải là 156/98mmHg. Sau 30 phút uống thuốc giảm đau, cậu bé không còn cảm nhận cơn đau dày vò nhưng huyết áp vẫn không có hạ khiến bác sĩ băn khoăn.
Được biết, gia đình bệnh nhân có nhiều người bị huyết áp cao. Chế độ ăn hàng ngày cũng khiến tình trạng huyết áp cao của cậu trầm trọng, thậm chí vượt xa người già. Nhìn thực đơn ăn uống hàng ngày, bác sĩ không khỏi lo lắng. Hóa ra, cậu bé rất thích gà rán, khoai tây chiên, bánh mì kẹp thịt nhưng không ăn rau.
|
Tỷ lệ huyết áp cao ở trẻ ngày càng có dấu hiệu tăng cao. Trong đó, chế độ ăn không lành mạnh và lười vận động là yếu tố nguy cơ cao. Ảnh minh họa |
Thực tế, thực đơn của cậu bé không phải cá biệt. Bác sĩ từng ghi nhận nhiều trẻ có thói quen ăn uống không lành mạnh như vậy. Ăn uống không cân đối khiến trẻ huyết áp cao. Tuy nhiên, rất ít trẻ được phát hiện vì đối tượng này người nhà hiếm khi chú ý đến vấn đề huyết áp.
Tăng huyết áp (THA) ở trẻ ngày càng trở nên phổ biến. Trang Sohu dẫn số liệu cho thấy, khoảng 4-9% trẻ trong độ tuổi đi học bị THA. THA ở trẻ có thể duy trì đến tuổi trưởng thành, nếu không can thiệp có thể dẫn đến tổn thương cơ quan đích sớm.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng THA nguyên phát ở trẻ em, trong đó béo phì là yếu tố nguy cơ liên quan nhất. Thống kê cho thấy khoảng 30-40% trẻ THA nguyên phát bị béo phì.
Béo phì có thể nhận định bằng mắt thường song độ chính xác không cao. Trong y học, chỉ số khối cơ thể (BMI) được dùng để đánh giá mức độ béo phì. BMI ở mức 18,5 ~ 24 được xem là cơ thể phát triển bình thường.
Ngoài béo phì, các yếu tố khác gây THA ở trẻ là tiền sử gia đình, sinh non, ăn nhiều muối, căng thẳng, thiếu ngủ, lười vận động...
Trẻ em thường ít được đo huyết áp. Vậy nhưng, nếu cha mẹ có tiền sử huyết áp cao, béo phì, sinh hoạt kém thì nên kiểm tra huyết áp cho con mỗi năm một lần để phát hiện và điều trị bệnh sớm, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
So với người lớn, theo dõi THA ở trẻ cần thận trọng hơn. Trước hết, cha mẹ cần loại trừ hiện tượng huyết áp cao áo choàng trắng (tình trạng huyết áp đột ngột tăng cao khi gặp bác sĩ, những người mặc áo blouse trắng. Nhưng khi về nhà thì huyết áp lại trở lại bình thường). Đây là tình trạng tăng huyết áp có thể xảy ra với nhiều người, nhiều độ tuổi khác nhau. Tốt hơn, cha mẹ nên trấn an trẻ rồi đo huyết áp tại nhà. Khi thực hiện, người đo cần chú ý.
Sử dụng huyết áp kế thủy ngân hoặc huyết áp kế điện tử tiêu chuẩn. Trước khi đo, trẻ cần được nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh từ 3-5 phút.
Điều chỉnh độ cao của bàn và ghế theo chiều cao của người trẻ. Chênh lệch độ cao lý tưởng giữa bàn và ghế là 25-30cm. Động viên trẻ thả lỏng cơ thể, đặt tay thẳng tự nhiên.
Tùy kích thước cánh tay, cha mẹ chọn vòng bít phù hợp. Chiều dài của túi khí phải bằng 80-100% chiều dài cánh tay, chiều rộng tối thiểu 40%.
Để ngăn ngừa THA ở trẻ, cha mẹ nên thay đổi chế độ ăn sao cho cân bằng dinh dưỡng. Đặc biệt, lượng muối ăn có liên quan mật thiết đến huyết áp. Lượng muối khuyến nghị cho trẻ 8 tuổi là 1,2g/ngày. Trẻ trên 8 tuổi là 1,5g/ngày. Cố gắng không ăn gà rán, bánh mì kẹp thịt, mỡ động vật. Thay vào đó, trẻ nên ăn nhiều rau và trái cây, bổ sung các thực phẩm giàu canxi, magiê và kali.
Tập thể dục rất tốt cho cơ thể. Bố mẹ cần khuyến khích con đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội... 2-3 lần một tuần. Mỗi lần tập khoảng 30 phút, tùy vào thể trạng để chọn bài tập phù hợp.
Lưu ý, bố mẹ nên giúp con duy trì thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tâm trạng lạc quan, tránh căng thẳng khi học tập.
Định Tâm (Theo SH)