Ngày 19/5, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng Thành phố cho biết, BV vừa cấp cứu cho bệnh nhi bị hóc dị vật khi tập ăn dặm.
Sau khi thăm khám, chụp x-quang và hội chẩn, các bác sĩ cấp cứu và hô hấp tại BV nghi ngờ bé hóc dị vật, dị vật tắc nghẽn một nhánh phổi nên gây ứ khí toàn bộ nửa trên phổi phải nên đã phối hợp cùng các bác sĩ gây mê tiến hành nội soi cho bé.
Trong khi nội soi, TS.BS Trịnh Hồng Nhiên - Trưởng khoa Hô hấp, trưởng ê-kíp Nội soi Hô hấp của bệnh viện đã phát hiện ra dị vật là một đốt xương lươn nằm bít hoàn toàn phế quản trung gian bên phải. Đốt xương nhiều gai sắc nhọn, trơn tuột và rất khó gắp.
Trong quá trình tiến hành gặp dị vật, bác sỹ cùng êkip đã phải hết sức cẩn thận, tránh tổn thương niêm mạc đường thở nhất có thể, soi kiểm tra thông thoáng toàn bộ đường thở mới yên tâm.
|
Bé gái 7 tháng tuổi bị hóc dị vật nghiêm trọng khi ăn cháo lươn. Ảnh minh họa. |
Phim chụp kiểm tra sau đó 2 phế trường đã sáng đều, viêm phổi cải thiện nhanh chóng, đáp ứng kháng sinh, bé cai máy thở tốt, lực thở khá và sức khỏe dần ổn định.
TS Nhiên khẳng định, may mắn là cháu bé được đưa đi khám và chuyển tuyến sớm và kịp thời khi dị vật chưa hoại tử nhiễm trùng, tạo ổ mủ áp xe hay rơi vào bít tắc đường thở chính. Nếu tình trạng này xảy ra, nó có thể gây ngưng thở, cấp cứu không kịp sẽ dẫn đến tử vong.
Trước đó, vào ngày 14/5 gia đình đã cho cháu bé tập ăn dặm bằng cháo lươn. Sau đó, lúc tắm bé ho sặc sụa, khạc ra xương lươn lẫn ít máu đỏ tươi lượng ít khoảng 2 lần.
Ngay lập tức, bé được gia đình đưa đến trung tâm y tế địa phương. Tuy nhiên, bé vẫn khó thở hơn nên được chuyển đến bệnh viện An Giang, thở oxy, phun thuốc khí dung, đặt ống giúp thở.
Dẫu vậy, để đảm bảo an toàn bởi cháu bé còn quá nhỏ, bé đã được các y bác sỹ chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Các chuyên gia cho biết thêm, khi mắc dị vật bất kỳ, việc đầu tiên là tìm cách khạc dị vật ra, hoặc nôn ọe để dị vật trôi ra, không cố nuốt vào.
Mẹo chế biến thức ăn dặm
Bác sĩ cũng khuyến cáo, dù thịt lươn chứa nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho phụ nữ mang thai, người già, trẻ nhỏ hay người mới khỏi bệnh nhưng do có xương nên trong quá trình chế biến phải thật cẩn thận, lọc bỏ toàn bộ xương lươn rồi mới nấu để tránh gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Khi cho con trẻ ăn dặm, cần lọc kỹ các loại thức ăn có xương nhỏ hoặc xương cứng để bảo đảm an toàn tối đa cho trẻ nhỏ. Trường hợp khạc dị vật không ra thì tốt nhất nên đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp sớm và đúng cách.
Để giúp con tránh bị hóc thức ăn, việc đầu tiên mẹ cần phải làm là chế biến đồ ăn dặm đúng cách. Nếu không có thời gian, mẹ có thể chọn thức ăn chế biến sẵn dành cho trẻ ăn dặm. Tuy nhiên, việc tự nấu đồ ăn dặm vẫn được khuyến khích vì chúng đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
|
Khi cho con trẻ ăn dặm, cần lọc kỹ các loại thức ăn có xương nhỏ hoặc xương cứng để bảo đảm an toàn tối đa cho trẻ nhỏ. Ảnh minh họa. |
Khi chế biến thức ăn dặm, mẹ nên xay, tán nhuyễn đến khi bé tròn 1 tuổi. Không nên cho các bé trong độ tuổi ăn dặm ăn nguyên hạt các loại hạt, ăn cả quả nho, bỏng ngô, các loại kẹo, xúc xích… vì chúng đều khiến bé dễ bị hóc. Nếu cho bé ăn phô mai hay thịt, mẹ nên cắt theo chiều dọc rồi cho con cầm nhai thử. Đối với các bé trên một tuổi, mẹ có thể cắt nhỏ thức ăn ra và chú ý cho bé thời gian nhai kỹ, chờ bé nuốt hết thức ăn trong miệng mới đút thêm.
Thức ăn phù hợp theo từng độ tuổi
Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, mẹ nên tuân thủ nguyên tắc “từ loãng đến đặc – từ ít đến nhiều – từ mịn đến thô”. Cho bé ăn loại thức ăn phù hợp với độ tuổi, tránh việc vội vàng “đốt cháy giai đoạn” hoặc thay đổi đột ngột dạng thức ăn khiến bé chưa quen dẫn đến sặc, nghẹn, hóc.
Mời độc giả xem video "Bí quyết ăn chay thế nào tốt cho sức khỏe". Nguồn: CSHP.
Thông thường, mẹ nên cho bé ăn cháo xay nhuyễn rây qua lưới khi bé chưa tròn 9 tháng tuổi. Vào giai đoạn 9 – 12 tháng tuổi, mẹ có thể cho bé ăn cháo xay nhuyễn nhưng không rây qua lưới để thức ăn có xác nhiều hơn. Từ 1 tuổi trở lên, mẹ tập cho bé ăn cháo hạt vỡ hoặc hạt nguyên và thức ăn băm nhỏ. Còn thức ăn thô, bé chỉ nên ăn khi được trên 2 tuổi, thời điểm mà bé đã đủ cả răng hàm.
Cho bé ăn đúng tư thế
Các bé trong độ tuổi ăn dặm hầu hết đều chưa biết ngồi hoặc ngồi chưa vững. Do đó, nhiều mẹ thường có xu hướng một tay bế con, tay còn lại đút cho bé ăn. Nếu mẹ đã có kinh nghiệm và thuần thục thì việc cho bé ăn theo cách này là đơn giản, chỉ cần giữ cho lưng bé thẳng còn đầu hơi nghiêng.
Tuy nhiên, một số mẹ chưa có kinh nghiệm hay con thường ngọ nguậy, quấy khóc thì lời khuyên dành cho mẹ là không nên mạo hiểm cho con ăn theo kiểu này vì dễ làm trẻ hóc, nghẹn. Thay vào đó, mẹ nên đặt bé vào chiếc ghế ăn dặm chuyên dụng, loại ghế này có thể điều chỉnh độ dốc ở lưng và có phần dây cố định ngang bụng. Lúc này cả hai tay của mẹ đều rảnh rang sẽ dễ thao tác hơn so với cách vừa bế bé vừa đút cho chúng ăn.
Đối với các bé đã biết ngồi vững, mẹ có thể cho bé ngồi vào ghế tập ăn. Tuyệt đối không để bé nằm trong lúc ăn, điều này sẽ khiến bé dễ bị hóc, nghẹn vô cùng nguy hiểm.
Thảo Nguyên (TH)