Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua nhân sâm về bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện để mua. Dù vậy, có rất nhiều thực phẩm với giá rẻ hơn nhưng công dụng tốt không kém ăn sâm.
Nhân sâm trắng - Củ cải trắng
Có câu nói "mùa đông ăn củ cải, mùa hè ăn gừng" để ám chỉ ăn củ cải vào mùa đông rất có lợi. Không chỉ vậy, củ cải còn được ví như "nhân sâm trắng" hay "nhân sâm của mùa đông".
Theo y học cổ truyền, củ cải trắng có vị ngọt cay, tính mát với công dụng cắt cơn ho, tiêu thực, giải độc, thanh nhiệt, chữa chứng đầy bụng, lợi đại tiểu tiện.
Còn theo y học hiện đại, củ cải trắng có thể giúp phòng ngừa và điều trị các bệnh đường tiêu hóa vì có nhiều chất xơ. Bên cạnh đó, ăn củ cải trắng còn giúp cải thiện huyết áp, ngừa tiểu đường, tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho tim mạch. Củ cải chứa các hoạt tính sinh học betain nên giúp hỗ trợ chức năng gan. Với hàm lượng vitamin C nhiều hơn so với các loại rau củ khác nên củ cải giúp ngừa lão hóa.
Đặc biệt, củ cải rất giàu các chất chống ung thư, chẳng hạn như interferon, lignin, chất xơ…. Trong số tất cả các loại củ cải, tác dụng chống ung thư của củ cải trắng là mạnh nhất.
Nhân sâm xanh - Đậu bắp
Đậu bắp là loại rau không được nhiều người thích vì nó khá dính nhớt. Tuy nhiên, ăn đậu bắp rất có lợi cho sức khỏe, nó còn được ví như “nhân sâm xanh” hay “vàng trong thực vật”.
Trong đậu bắp có chứa nhiều pectin, chất nhầy, protein, chất béo, chất xơ, canxi, sắt, magie, kali và nhiều loại vitamin khác. Bên cạnh đó, đậu bắp còn giàu chất xơ thực vật, rất thích hợp cho những người bị mỡ máu cao, táo bón, viêm ruột, béo phì,...
Theo y học cổ truyền, đậu bắp có vị ngọt, tính mát, không độc với tác dụng chữa chứng tiêu khát, táo bón, trĩ, miệng khô khát, viêm họng, viêm tiết niệu.
Còn theo y học hiện đại, ăn đậu bắp giúp hạ đường huyết, bảo vệ dạ dày, thị lực, tốt cho da và tim mạch, ngừa ung thư, giúp giảm cân.
Sâm động vật - Chim cút
Từ thời Chiến quốc, thịt chim cút đã được xếp vào hàng "lục cầm" (6 loại gia cầm quý là nhạn, cút, yến, trĩ, cưu, bồ câu). Do đó, nó thường xuất hiện trong thực đơn của hoàng gia và được ca ngợi là "sâm động vật".
Theo Trung y, thịt chim cút không độc, có vị ngọt, tính bình, giúp bồi bổ ngũ tạng, bổ trung ích khí, giải nhiệt, cứng gân cường cốt, tiêu sưng, giảm nhọt, bổ hư trừ bệnh, tác dụng ngang ngửa với nhân sâm. Hơn nữa, chim cút cũng có tác dụng đáng kể trong việc bổ thận tráng dương, giảm đau lưng, mỏi gối.
Thịt chim cút rất tốt cho những người bị suy nhược thể lực và thần kinh, trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng, phu nữ mang thai và cho con bú, người mới ốm dậy, người lao động vất vả và người già bị lú lẫn. Vì chim cút giàu đạm nhưng ít mỡ nên còn được dùng cho người bị béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, xơ mỡ động mạch. Tuy nhiên những người này không nên ăn chim cút rán hoặc nướng.
Nhân sâm dưới nước - cá chạch lấu
Cá chạch lấu là loài cá nước ngọt thường xuất hiện ở vùng đầu nguồn các con sông, nhất là ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Đây là loại đặc sản quý hiếm với giá không hề rẻ, từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg.
Cá chạch lấu không chỉ là món ngon đặc sản mà còn rất bổ dưỡng, được ví như "nhân sâm dưới nước" có tác dụng bồi bổ cơ thể, rất tốt cho nam giới. Theo Đông y, cá chạch lấu có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ khí huyết, tráng dương, thanh nhiệt, tiêu khát, chữa nóng trong…
Tiểu nhân sâm - Củ cải đỏ
Củ cải đỏ được ví là tiểu nhân sâm giá bình dân với hàm lượng dinh dưỡng phong phú. Các phân tích y học cho thấy củ cải đỏ có hàm lượng vitamin C cao gấp 8 lần so với táo và lê. Chúng cũng là nguồn cung cấp một số chất dinh dưỡng quan trọng, bao gồm vitamin B1, B2, folate, mangan và đồng.
Củ cải đỏ chứa nhiều vitamin và khoáng chất nhưng lại ít calo và chất béo. Với hàm lượng nitrat cao, củ cải đỏ có thể giúp giảm huyết áp. Điều này có thể dẫn đến giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Đồng thời nó còn làm tăng lưu lượng máu đến não và cải thiện chức năng nhận thức.
Củ cải đỏ cũng có một số tác dụng chống viêm và là một nguồn chất xơ dồi dào, có lợi cho sức khỏe hệ tiêu hóa. Một số nghiên cứu cho thấy một số hợp chất được tìm thấy trong củ cải đỏ có thể có đặc tính chống ung thư. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về tác dụng này.
Sâm phương Nam - Giảo cổ lam
Các chuyên gia nghiên cứu tại Nhật đã chỉ ra rằng các hợp chất trong giảo cổ lam có thành phần giống hệt với nhân sâm đó là saponin. Vì vậy, nó còn được gọi là "sâm phương Nam".
Giảo cổ lam có tác dụng giảm cân, tăng lực, điều hòa huyết áp, bảo vệ gan, hạ mỡ máu, chống lão hóa. Hơn nữa, nó còn giúp giảm mệt mỏi, tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của khối u, giúp dễ ngủ, ngủ sâu giấc, tăng cường máu lên não, ngăn ngừa chứng lú lẫn ở người già và nâng cao khả năng giải độc của gan.
Theo HOÀNG DƯƠNG/Phụ Nữ Việt Nam