"Lần trước thấy mẹ lôi cái túi bóng nhỏ ra, tôi mới biết đây là bộ trang điểm của mẹ: 1 thỏi son cũ chắc dùng vài năm rồi vì bình thường mẹ không bao giờ trang điểm, nông dân suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, lễ tết hay đám hỏi gì đó mới đánh chút son, thoa chút phấn để che đi vết rám nắng với tàn nhang thôi. Miếng bông đánh phấn nó cũng bị thủng vài chỗ rồi, cái kẻ mắt hình như từ hồi tôi còn đi học.
Mẹ chẳng đòi hỏi gì nhiều, mấy chục năm trời toàn lo cho con cái, gia đình mà chẳng một lời than thở. Phụ nữ mà, ai mà chẳng muốn đẹp. Nhìn lại mình, chả có gì trong tay cả. Đi lính về gần 1 năm giờ vẫn đang loay hoay tìm việc.
Hôm nay thấy túi trang điểm này ở nhà bếp tự nhiên mắt tôi cay xè. Ngồi viết những dòng này, tôi khóc thật sự, chẳng biết tôi có yếu đuối quá hay không nữa. Tự thấy bản thân thất bại, chưa lo được gì cho gia đình".
|
Chiếc túi nhỏ đựng bộ son phấn cũ khiến bao người xúc động. |
Đó là lời tâm sự lấy đi bao nước mắt của chàng trai trẻ Phạm Đức Minh (Thái Hòa, Nghệ An). Nhìn thỏi son gió, hộp phấn vuông có từ cách đây vài thập kỷ, những ký ức tuổi thơ bỗng ùa về khiến Đức Minh nhớ lại bao kỷ niệm thân thương gắn liền với mẹ, những hi sinh cao cả không nói thành lời mà mẹ đã dành cho mình...
Ít thấy mẹ trang điểm, nên chàng trai 20 tuổi cũng quên có một chiếc túi lưu giữ thiên tính nữ của mẹ. Nhưng đến giờ nhìn lại, 9X bỗng nhận ra bộ đồ xưa cũ đó đã theo mẹ cả tuổi xuân.
Mẹ đã già...
|
Mẹ của Đức Minh (Áo dài xanh) |
Mẹ - một người phụ nữ lúc nào cũng cặm cụi pha nước chè bán cho khách nơi góc hiên nhà - một người phụ nữ tần tảo sớm hôm vì chồng vì con... Tóc mẹ đã trở nên khô bạc, làn da sạm đen vì nắng gió, hằn lên những dấu vết của thời gian. Đôi bàn tay khô nứt, thường xuyên ngứa vì tiếp xúc nước nhiều.
So với mẹ thời thanh xuân mới 22 tuổi khi tôi vừa ra đời, mẹ ngày ấy tươi tắn biết bao, tóc xoăn điệu đà, quần tây áo sơ mi kiểu cũ, thon thả xinh đẹp hơn bao cô gái khác. So bức ảnh cũ mẹ chụp năm xưa với mẹ bây giờ khiến Đức Minh bật khóc. Đó là giọt nước mắt nhớ, thương mẹ vô hạn vì cả cuộc đời hy sinh cho gia đình.
Ngoài ký ức về bộ son phấn có tuổi xấp xỉ bằng tuổi mình, Đức Minh còn nhớ những ngày mẹ âm thầm bên cạnh, chăm sóc cậu khi đổ bệnh.
"Mình từng mổ nhiều lần vì bản thân có bệnh bẩm sinh. Chỉ có mỗi mẹ bên cạnh, đút cháo cho ăn, thức thâu đêm trông, mình nằm trong trong phòng hồi sức còn mẹ thì ngủ ở hành lang bệnh viện, co ro trên cái võng xếp nhỏ. Mình đã từng đi làm ở tiệm bánh, rồi xin vào mấy khu công nghiệp rồi. Nhưng bệnh chưa khỏi hẳn lại phải nghỉ làm. Nhiều lúc nghĩ ngợi không ngủ được, thương bố mẹ vô cùng".
Minh bảo, lớn bằng chừng này rồi mà vẫn chưa làm được gì lớn lao cho mẹ, mỗi đợt đi lính về biếu mẹ hết khoản tiền hơn 10 triệu để sắm Tết. Chàng trai này luôn tự nhủ, nhất định sẽ báo đáp công sinh thành dưỡng dục của mẹ, bởi cha mẹ đâu có sống đời đời kiếp kiếp với con. Đừng để cha mẹ buồn phiền, thất vọng vì mình, bởi lẽ thanh xuân của cha mẹ chính là chúng ta, lãng phí hay đáng giá, tất cả đều phụ thuộc vào tấm lòng của chúng ta dành cho họ.
Huệ Anh (TH)/Khoevadep