Tôi xuất thân trong một gia đình vùng quê ngoại thành Hà Nội, bố mẹ đều làm nông, thỉnh thoảng đi phụ hồ cho các công trình gần nhà. Gia cảnh nghèo khó khiến cuộc sống của gia đình tôi cũng không mấy vui vẻ, hạnh phúc.
Bố tôi là người nóng tính và khá gia trưởng. Ông luôn muốn mọi việc phải làm theo ý mình. Hễ trái ý ông là mẹ con tôi lại bị mắng nhiếc một cách thậm tệ, thậm chí bị đánh đập đuổi ra khỏi nhà.
Sau này, tôi đỗ đại học, mẹ tôi đã quyết định đi ra Hà Nội làm giúp việc để lấy tiền nuôi tôi ăn học và gửi về quê cho bố và em trai tôi trang trải cuộc sống.
Dù hy sinh vì chồng vì con là thế, nhưng mẹ tôi vẫn thường xuyên bị bố gọi điện trách mắng chuyện này chuyện kia như để trút giận trong lòng.
Ảnh minh họa
Thấm thoắt nhiều năm trôi qua, khi tôi vừa tìm được việc làm và em trai cũng có hướng đi riêng, không học đại học mà xin đi làm luôn, mẹ tôi đã quyết định ly hôn với bố. Bà nói bà chờ ngày này đã lâu lắm rồi.
Trước đây, bà cố gắng nhịn nhục sống với bố để hai chị em tôi có gia đình đầy đủ, yên tâm học hành. Giờ chúng tôi đã lớn, có thể tự lo cho bản thân nên bà quyết định kết thúc những chuỗi ngày đắng cay khi sống cùng bố. Hơn ai hết, tôi hiểu và ủng hộ quyết định của mẹ.
Về sau, khi tôi có người yêu và tính đến chuyện kết hôn, tôi có kể cho anh nghe về hoàn cảnh gia đình của mình. Khi ấy, anh tỏ ra hiểu và thông cảm với tôi. Nhưng điều mà tôi không ngờ đến là sau khi kết hôn, chồng tôi càng ngày càng lộ rõ bản chất một người gia trưởng, gần giống với bố tôi ngày xưa.
Tôi đi đâu, làm gì cũng bị chồng quản lý. Dù mỗi tháng anh chỉ đưa tôi 5 triệu để chi tiêu cho cuộc sống ở Thủ đô nhưng anh vẫn yêu cầu tôi kê ra những khoản chi tiêu hàng ngày để anh nắm được.
Chưa hết, chồng tôi luôn kiếm cớ để không phải về quê vợ, kể cả những dịp lễ Tết. Nhiều lần anh ta úp mở rằng, gia đình tôi giờ bố mẹ mỗi người một nơi, có đoàn tụ đâu mà về. Rồi có lần tôi còn nghe con gái kể, chồng tôi xui con hạn chế tiếp xúc với ông bà ngoại vì ông bà "không tốt đẹp gì đâu".
Quả thực, khi nghe những lời đó, tôi rất phẫn nộ. Tôi thừa nhận, hoàn cảnh gia đình tôi cũng không có gì đáng tự hào cả. Nhưng tôi không cho phép chồng dạy con xa lánh ông bà. Dù gì đó cũng là những người đã sinh ra tôi, nuôi tôi khôn lớn.
Tôi và chồng đã nhiều lần cãi nhau về chuyện này nhưng anh ta vẫn chưa chịu hiểu. Và hiện tại, chúng tôi cũng đang bất đồng quan điểm liên quan đến chuyện của mẹ đẻ tôi.
Đợt Tết vừa rồi, mẹ tôi được người họ hàng mai mối cho một người đàn ông góa vợ. Hai người tìm hiểu thì thấy khá hợp nhau. Tính tình và điều kiện kinh tế của người kia cũng rất tốt.
Mẹ tôi có ý định đi bước nữa nên hỏi ý kiến tôi. Dĩ nhiên, tôi ủng hộ vì luôn mong mẹ được hạnh phúc. Tuy nhiên, khi tôi nói chuyện này với chồng, anh ta lại khăng khăng phản đối.
"Có bố mẹ vợ ly hôn đã xấu hổ lắm rồi. Giờ lại thêm vụ mẹ vợ gần 60 tuổi định đi bước nữa thì tôi biết giấu mặt vào đâu. Không sợ thiên hạ họ cười vào mặt cho à.
Cô bảo mẹ, quá khứ đã thế rồi, nhỡ may vớ phải một người như bố thì có phải khổ hơn không. Tốt nhất là già rồi thì an phận cho con cháu được nhờ. Đừng làm con cái xấu hổ thêm nữa".
Câu nói của chồng khiến tôi sốc nặng. Hóa ra, suốt thời gian qua, anh ta luôn cảm thấy xấu hổ vì gia cảnh nhà vợ. Giờ vì sợ xấu hổ, anh ta lại ngăn cản mẹ vợ đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Thật là quá ích kỷ.
Thú thực, tôi đang rất bất bình với chồng và mệt mỏi với chính cuộc hôn nhân của mình. Tôi có nên vì các con mà chịu đựng sống với người chồng gia trưởng, ích kỷ như vậy hay mạnh dạn kết thúc trước khi mọi chuyện đi quá xa?
Theo Thủy/Gia đình & Xã hội