Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 20 quốc gia ở châu Mỹ, 10 khu vực khác ở châu Phi, châu Á và Thái Bình Dương xác nhận có các trường hợp nhiễm virus ăn não người.
Virus Zika ăn não lây lan ở hàng chục quốc gia
Theo WHO, trong tuần trước nhận thấy những trường hợp mắc bệnh đầu nhỏ ở Brazil tăng đột biến. Đây là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh. Christian Lindmeie, người phát ngôn của WHO cho biết, gần 3.900 trường hợp bị nghi mắc bệnh đầu nhỏ ở Brazil, 49 ca đã tử vong. Trước đó, tỷ lệ mắc bệnh này ở Brazil chỉ là 160 trường hợp.
|
Virus Zika nguy hiểm bởi nó có mối liên quan tới dị tật đầu nhỏ ở trẻ em. |
Một dấu hiệu cực kỳ đáng lo ngại là Colombia đến nay đã ghi nhận 41 trường hợp bệnh nhân mắc hội chứng tê liệt Guillain-Barre có thể liên quan đến Zika. Cách đây một tuần chỉ có 12 trường hợp.
Trước đó, hàng chục ca Zika đã được phát hiện tại Mỹ, tất cả ở những người đã đi ra nước ngoài. Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo tất cả phụ nữ có thai, có thể mang thai không nên đi đến 24 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch.
Bộ trưởng Y tế Peru Anibal Velasquez thông báo nước này đã có trường hợp nhiễm Zika đầu tiên trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại khu vực. Trường hợp nhiễm bệnh là một thiếu niên 17 tuổi người Venezuela, vào thủ đô Lima hồi tuần trước từ Colombia. Bệnh nhân này hiện đã nhập viện sau khi xuất hiện triệu chứng nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Y tế Venezuela Luisana Melo cũng cho biết nước này phát hiện 255 ca mắc Guillain-Barre.
Hôm thứ tư tuần trước, một bệnh viện ở Đan Mạch cho hay một du khác đã du hành tới Nam và Trung Mỹ đã có thử nghiệm dương tính với căn bệnh không chữa được này.
Bệnh có thể tác động đến 4 triệu người
Tổ chức Y tế Thế giới WHO cảnh báo virus Zika đang lây truyền nhanh chóng khắp châu Mỹ và có thể tác động tới 4 triệu người.
|
Nhiều bà bầu được khuyến cáo không đi tới những khu vực bị ảnh hưởng bởi virus Zika. |
Virus Zika đang lây lan ngày càng nghiêm trọng tại các nước Mỹ Latinh và Caribe với 25 quốc gia và vùng lãnh thổ có bệnh nhân lây nhiễm. Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo các du khách, đặc biệt phụ nữ có thai và có ý định mang thai, tránh đi đến các nước có dịch.
WHO khuyến cáo những người bị nhiễm virus Zika bị sốt nhẹ, xây xước da và đỏ mắt, với các triệu chứng kéo dài từ 2 đến 5 ngày. Theo các chuyên gia, cách phòng chống tốt nhất đối với virus Zika là ngừa bị muỗi đốt vì đến thời điểm hiện tại, chưa có thuốc chủng ngừa hay liệu pháp nào cả.
Ngày hôm nay (1/2), WHO sẽ triệu tập cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp trong 3-6 tiếng đồng hồ. Ủy ban này sẽ đưa ra một kiến nghị cho Tổng giám đốc Margaret Chan. Tuần tới, bà Chan sẽ quyết định có công bố “tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu” hay không.
Bộ Y tế khẳng định Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh cho virus Zika. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập và lan rộng trong cộng đồng là hoàn toàn có thể do sự giao lưu, du lịch, thương mại, lao động rất lớn giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, Việt Nam đang lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes - là loại muỗi truyền bệnh do virus Zika.
Để chủ động phòng chống dịch xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế triển khai tốt các hoạt động kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu quốc tế; giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh, đặc biệt những người đi về từ những vùng đang có dịch để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cách ly, xử lý kịp thời.
Các bệnh viện, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế chủ động lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có tiền sử về từ vùng dịch gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm virus Zika nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh.
Các địa phương tăng cường các hoạt động phòng chống dịch tại cộng đồng tương tự như phòng chống bệnh sốt xuất huyết để hạn chế sự phát triển của muỗi Aedes- loại muỗi truyền bệnh do virus Zika nhằm giảm nguy cơ dịch bệnh này có thể lây lan nhanh khi xâm nhập vào Việt Nam; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh do virus Zika (bao gồm nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, thuốc, hóa chất, giường bệnh...) để đáp ứng các hoạt động khi có dịch bệnh xâm nhập.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các ban, ngành liên quan đẩy mạnh việc truyền thông phòng chống dịch bệnh do virus Zika tại các khu vực cửa khẩu và cộng đồng; lưu ý những người về từ vùng dịch cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng ít nhất 12 ngày.
Phụ nữ mang thai nên hạn chế đến các khu vực có dịch và cần tham vấn cán bộ y tế khi nghi ngờ nhiễm virus Zika.
Ngọc Anh (Tổng hợp)