Mới đây nhất, theo Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 22 ổ dịch bệnh dại, trong đó 9 ổ tại thành phố Việt Trì, 8 ổ tại huyện Phù Ninh, 4 ổ tại huyện Lâm Thao và 1 ổ tại huyện Đoan Hùng. Tại các ổ dịch đã phát hiện 27 con chó có biểu hiện của bệnh dại, 43 người bị chó nghi dại cắn, cào.
Còn tại Lào Cai, tình hình phơi nhiễm bệnh dại trên địa bàn vẫn có diễn biến phức tạp. Đã có 727 người phải tiêm vaccine phòng dại, 129 người tiêm huyết thanh kháng dại. Có 4 con chó mắc bệnh dại ở hai xã của 2 huyện Bảo Yên và Si Ma Cai cắn 9 người và cắn một số con chó khác cùng thôn.
|
Tỷ lệ tử vong của bệnh dại có thể lên tới 100%.
|
Bệnh dại thường bùng phát từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Nguyên nhân chính là do những ổ dịch dại đã tồn tại nhiều năm nay chưa giải quyết được triệt để. Bệnh dại lây sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị bệnh dại trên da bị tổn thương. Khi bị chó, mèo cắn cần phải xem đó là trường hợp cấp cứu, trước hết là rửa thật kỹ vết thương nhiều lần bằng xà phòng và đến ngay cơ sở y tế. Những người khi đã bị bệnh dại lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%
Để phòng chống dịch bệnh dại nguy hiểm này, Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng Bộ Y tế khuyến cáo: “Thời tiết nắng, nóng là điều kiện và môi trường thuận lợi cho bệnh dại có điều kiện phát triển. Cùng với sự chủ động của chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng trong việc triển khai tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật, thì bản thân mỗi người dân cũng cần chủ động tiêm phòng chó, mèo nuôi trong nhà”.
Hồng Nhung