Mới đây, trên một số diễn đàn dành cho cha mẹ, bức ảnh chụp lại bài tập làm văn của một học sinh với chủ đề: “Phát biểu cảm nghĩ của em về ngày Tết” đã được chia sẻ một cách chóng mặt. Chỉ ngắn ngủi trong 1 trang giấy ô li nhưng bài làm của học sinh này đã khiến cho không ít những bà mẹ, bà nội trợ phải rớt nước mắt vì như được... nói hộ nỗi lòng.
|
Bài văn đang gây sốt trên mạng xã hội. |
Học sinh này viết:
“Chắc hẳn ai cũng thích Tết. Từ hồi nhỏ tới giờ, em toàn nghe nói Tết vui. Nhưng đó là ở đâu chứ không phải ở nhà em. Mỗi lần đến Tết là em thấy mệt mỏi, mẹ em mệt mỏi, cả nhà em mệt mỏi.
Lúc trước, em rất thích Tết, nhưng vì Tết mà mẹ em mệt thì em không thích nữa. Thịt kho hột vịt em rất thích, nhưng khi em biết mẹ làm mệt thì em không thích nữa. Gia đình em không còn cười nhiều vì mẹ em quá bận, lại hay nổi giận khi ba con em không làm mọi thứ như mẹ muốn. Ba em cũng bị mẹ la. Mẹ nói đã mệt mà còn bị phá. Em với ba sợ lắm. Em không muốn nhìn mẹ xanh xao, ốm đau, lúc nào cũng cầm cây chổi, cây lau nhà, cầm cái chảo và lúc nào cũng lăn vào bếp làm đồ ăn đón khách, mẹ đã quá mệt rồi. Mỗi lần mẹ nhăn nhó là thêm một kẻ thù nhan sắc xuất hiện đó.
Em thích thấy mẹ em cười. Mẹ cười rất đẹp. Ba hay nói với mẹ: “Nhìn mẹ cười là thấy Tết trọn vẹn rồi!” nhưng mẹ chẳng chịu, lại còn la ba! Mẹ ơi! Tết không cần hoàn hảo đâu mẹ ơi”.
Bài viết được giáo viên cho 9 điểm với lời phê: “Bài viết cảm xúc chân thành, con hiểu được nỗi vất vả của mẹ. Bài văn của con làm cô suy nghĩ nhiều! Cảm ơn con!”
Ngay sau khi đăng tài, bài viết đã nhận được hàng ngàn lượt like, chia sẻ và bình luận. Tâm đắc với bài làm văn của cậu học sinh tiểu học này, nhiều bà mẹ đã tag chồng, người thân của mình với lời nhắn nhủ, bài văn đã nói hộ những vất vả của mình trong dịp Tết.
Bạn đọc Vy Trâm chia sẻ: “Từ lúc nào mình cũng sợ Tết, Tết là thời điểm để người ta nghỉ ngơi sau 1 năm dài làm việc vất vả, bây giờ nhiều gia đình còn bỏ qua cái Tết xum họp, cùng nhau đi du lịch khắp đó đây chứ không phải úp mặt vào bếp nấu các món thiết đãi bao nhiêu là lượt khách, chùi dọn bao nhiêu đống bát đũa, ngẩng mặt lên đã mùng 4, mùng 5 phải đi làm tiếp rồi”.
Bạn đọc Kiều Oanh thì nhận xét, không chỉ có cách viết rất chân thực, giản dị, bài văn của học sinh này còn khá lưu loát, rõ ràng, không sai lỗi chính tả. “Tuyệt vời nhất là cậu bé đã lồng được vào bài viết tình yêu của mình đối với mẹ, sự quan tâm chia sẻ, sự quan sát tinh tế. Nếu tôi mà mà giáo viên sẽ chấm cho em 10 điểm”.
Trên facebook cá nhân của mình, nhà văn Trang Hạ cũng dành những lời nhận xét rất ưu ái đối với bài văn này. Chị viết: “...Những suy nghĩ non nớt của em bắt đầu từ quan sát bằng mắt, nhưng viết ra lại bằng trái tim. Nhìn thấy vất vả của mẹ mỗi dịp Tết, nhận ra đằng sau gánh nặng công việc ngày Tết của mẹ là một gánh nặng vô hình lên ngoại hình, nhan sắc, tinh thần của mẹ!.
Mình tin em viết được bài văn này, sự sâu sắc của em đáng để người lớn suy ngẫm lại hành trình đi tới một cái Tết hạnh phúc! Các con mình khó mà có suy nghĩ già dặn như thế, có thể vì chúng sống với một bà mẹ… lười như mình, Tết luôn tìm cách cắt bớt những nghi lễ rườm rà! Chẳng cần mâm cao cỗ đầy, Tết trọn vẹn là sự sẻ chia dưới những mái nhà mùa Xuân!”
Theo Tùng Anh/Dân Việt