Phái đẹp, đặc biệt với người làm một số nghề cần tư vấn, giao lưu trực tiếp... phải ngồi cạnh khách, phải nói nhiều đều khao khát có đủ tự tin khoe nụ cười duyên và hơi thở thơm mát. Trong dân gian có nhiều bài thảo dược trị hôi miệng như sau:
Chanh tươi
Chanh tươi chữa hôi miệng được nhiều người ưa dùng, vì tiện và dễ thực hiện. Quả chanh rửa sạch, dùng nạo gọt vỏ chanh (hoặc vắt hết nước cốt chanh, lấy vỏ) rồi cho vào miệng nhai kỹ, nuốt vài lần là có hơi thở thơm mát.
Nếu hơi thở nặng mùi thì chải răng và lưỡi bằng nước cốt chanh pha muối 2 lần/ngày sẽ bớt hôi, lại sạch miệng, sát khuẩn vết thương nướu răng.
|
Ảnh minh họa. |
Lá bạc hà tươi
Lá bạc hà tươi chứa tinh dầu thơm, kháng khuẩn, chống oxy hoá, loại bỏ mùi hôi tốt, diệt khuẩn, khử mùi hôi, giữ hơi thở thơm mát lâu.
Lá bạc hà dùng đúng cách sẽ làm sạch khoang miệng, thổi bay mùi hôi, giúp hơi thở thơm nhẹ nhàng. Lá bạc hà còn là nguyên liệu chính để điều chế kem tẩy trắng răng thơm miệng, làm nước súc miệng.
Hái (hoặc mua) lá bạc hà tươi về, nhặt bỏ lá úa vàng, rửa sạch để nhai sống hằng ngày sẽ làm thơm miệng.
Hoặc làm nước lá bạc hà súc miệng như sau:
Mua lá bạc hà tươi về nhặt sạch lá hỏng, rửa sạch rồi cho vào máy xay nhuyễn. Chắt lấy nước, cho ít muối tinh vào nước bạc hà cốt đó và dùng để súc miệng 2 lần/ngày sẽ giữ được hơi thở thơm mát, còn phòng tránh được các bệnh về răng miệng.
Mật ong và quế
Cho 1 thìa cà phê mật ong và quế vào nước ấm và dùng hỗn hợp này súc miệng hằng ngày. Mật ong và quế kết hợp lại lại có một công dụng hoàn hảo trong điều trị hôi miệng.
|
Ảnh minh họa. |
Lá húng quế
Hoặc dùng nước lá húng quế giúp sạch miệng, hơi thở thơm tho.
Hoặc nhai một ít lá húng quế tươi, hay xay vắt lấy nước súc miệng cũng giúp sạch miệng, hơi thở thơm tho.
Hoặc hái/ mua lá húng quế về, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Sau đó xay thành bột, cho vào lọ kín dùng dần. Bột lá húng quế dùng đánh răng hằng ngày rất thơm miệng, tiện lợi, giúp hàm răng luôn sáng khỏe, bảo vệ nướu, tránh chảy máu chân răng và trị hôi miệng tốt.
Dâu tây chà răng và súc miệng
Dâu tây giàu vitamin, giúp hàm răng luôn trắng tự nhiên, đánh bay mùi hôi miệng. Cách dùng như sau:
Nghiền nhỏ 2 quả dâu tây, thêm vài hạt muối và ½ thìa nước cốt chanh, trộn đều. Dùng ngón tay xoa nhẹ hỗn hợp trên lên hàm răng trong 5 phút. Súc lại với nước ấm. Cách làm này đơn giản nhưng rất hiệu quả.
Đánh răng với nước vo gạo
Nước vo gạo nhiều vitamin, khoáng chất và vitamin PP - giúp tẩy sạch các chất bẩn bám quanh chân răng, nướu, sát khuẩn, giảm viêm, ngừa mùi hôi miệng rất hiệu quả. Khi vo gạo chắt lấy nước. Đánh răng xong, nhúng bàn chải vào nước vo gạo và đánh một lần nữa, rồi súc sạch miệng bằng nước.
Bột banking soda để đánh răng
Muốn răng trắng sạch, hơi thở thơm hãy cho một ít banking soda vào kem đánh răng và dùng đánh răng hằng ngày. Bột banking soda giúp loại bỏ vết ố vàng trên răng hiệu quả.
|
Ảnh minh họa. |
Bài thuốc trị hôi miệng
Sau tất cả những cách dân gian từng làm trên, Ths. BS Hoàng Khánh Toàn (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) đã chia sẻ bài thuốc trị hôi miệng như sau:
Nguyên liệu:
- Hạnh nhân 200g
- Bột đậu xanh 60g
- Đường trắng 6 thìa canh
Cách làm
Hạnh nhân nghiền ra nước, bỏ bã, hòa đều với bột đậu xanh và đường trắng rồi đun cô nhỏ lửa thành dạng cao đặc, rồi đổ ra đĩa sâu lòng rồi cho vào tủ lạnh.
Cách sử dụng
Khi ăn cắt thành từng miếng nhỏ, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần một vài miếng.
Vài cách hạn chế mùi hôi miệng
Theo các nha sĩ, mọi người nên rèn thói quen uống nhiều nước sạch để làm sạch khoang miệng sau mỗi bữa ăn - dù ăn vặt, hay ăn nhanh, đều giúp “cuốn trôi” các mảng bám, ngăn ngừa hôi miệng.
- Uống nhiều nước ép hoa quả màu xanh hàng ngày giúp làm trắng hồng làn da, cải thiện hôi miệng hiệu quả.
- Gừng, sữa chua cũng giúp giảm hôi miệng.
Sữa chua giúp giảm mức độ gây mùi của mảng bám và vi khuẩn có hại nhờ có vitamin D hạn chế môi trường cho vi khuẩn phát triển.
Gừng cắt lát để pha trà, kèm theo một chút chanh sẽ đánh bay hơi thở nặng mùi.
- Hoặc pha muối với nước (nồng độ muối 0,8 – 1%) súc miệng hàng ngày để khử mùi cho răng miệng.
- Lá mùi tàu (ngò gai) vị the, thơm hắc sắc với nước thật đặc, thêm vài hạt muối để súc miệng, khò họng nhiều lần trong ngày giảm được hôi miệng do nguyên nhân dạ dày, tiêu hóa.
- Làm sạch lưỡi: Các loại vi khuẩn bám trên lưỡi cũng gây hôi miệng. Nên cạo lưỡi để khắc phục hơi thở không còn nặng mùi.
- Dùng các dòng kem đánh răng dạng gel, đánh ít nhất 2 lần/ngày, giúp men răng trắng sáng tự nhiên, làm sạch vi khuẩn gây hôi miệng, hơi thở thơm mát.
- Tránh uống cà phê, chè vì có thể gây nên tình trạng hôi miệng.
- Không dùng tăm sắc nhọn vì có thể gây tổn thương vùng niêm mạc quanh răng, tạo vi khuẩn gây hôi miệng. Hãy thay bằng chỉ nha khoa để lấy sạch những mảng bám thức ăn trong kẽ răng.
Theo Ngọc Hà/ Giadinh.net