Theo nhiều nguồn tin, vết thương của nạn nhân do bị vỡ túi độn nâng ngực vì chênh lệch áp suất trên máy bay. Tuy nhiên, nhận định về trường hợp này, TS.BS Nguyễn Huy Thọ, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật - Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật - Hàm mặt - Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trả lời trên Zing, khẳng định trường hợp của nữ bệnh nhân trên không thể là nổ túi ngực do chênh lệch áp suất.
Áp suất khí quyển bình thường và trong khoang hành khách luôn tương đương ở mặt đất, dù khi thay đổi độ cao đột ngột, áp suất bên ngoài thay đổi nhưng áp suất trong máy bay sẽ giữ nguyên, do đó, không thể xảy ra hiện tượng “nổ” túi ngực. “Ngoài ra, độ bền của túi rất cao, có thể đặt chúng dưới đất để ôtô đi qua không hề vỡ”, TS.BS Nguyễn Huy Thọ khẳng định.
Bác sĩ cho biết túi độn ngực có thể bị rách trong trường hợp để lâu trong ngực, có thể do co bao xơ của cơ thể bóp và làm biến dạng, tạo ra các nếp gấp. Sau đó, các nếp gấp sẽ bị hằn sâu và có thể rách, gây thoát dịch gel silicone từ trong túi ra ngoài. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị rách túi nâng do vật nhọn đâm hoặc sinh thiết ngực.
Nói về khả năng vỡ túi ngực do áp suất máy bay, bác sĩ thẩm mỹ Phan Hiệp Lợi (Giám đốc bệnh viện Hiệp Lợi, TP.HCM) cũng khẳng định vỡ túi ngực có rất nhiều nguyên nhân và chuyện vỡ túi ngực do áp suất máy bay như bệnh nhân nói có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
“Chúng tôi vẫn không thể khẳng định là do áp suất trên máy bay làm vỡ túi ngực vì hiện vẫn chưa có báo cáo nào rõ ràng cho thấy điều đó. Tôi cũng khẳng định, túi ngực không bị nổ mà chỉ vỡ. Có nhiều trường hợp đến bệnh viện chúng tôi phẫu thuật nhưng họ cho biết không đi máy bay nhưng vẫn bị vỡ túi ngực. Như vậy, có thể nhận thấy nguyên nhân vỡ túi ngực là do chất lượng sản phẩm kém”, bác sĩ Lợi thông tin thêm.
Với kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ Lợi cũng cho rằng nếu sử dụng túi ngực đạt chuẩn, sản xuất theo đúng quy trình từ 7-8 lớp thì vấn đề rò rỉ hay vỡ không bao giờ xảy ra. Khi sử dụng túi ngực không đạt chuẩn trong thời gian dài sẽ biến đổi chất lượng, dẫn đến dễ vỡ hơn, có thể dùng tay bóp cũng vỡ.
Về kết cấu túi ngực, phần ngoài cùng được bao bọc bằng lớp vỏ trơ, ngăn chặn không cho gel silicon bên trong lọt ra ngoài tiếp xúc trực tiếp với mô, tránh tình trạng nhiễm trùng. Sau khi hoàn thành việc nâng ngực, sẽ có một lớp võ tự nhiên do cơ thể người tạo ra để bao bọc túi ngực, giống như một lớp bảo vệ cuối cùng, tránh để gel silicon chạm đến mô ngực.
Các bác sĩ cũng cho rằng trường hợp chảy máu có thể do bệnh nhân mới nâng ngực, đang theo dõi nhưng đã làm những thao tác nặng, khiến viết thương bị ảnh hưởng, đau nhói, thậm chí 2 tháng sau "dao kéo" nhiều người vẫn có cảm giác này. Vì vậy, bệnh nhân mới nâng ngực khi đi máy bay cần có người đi cùng để xách giúp hành lý nặng. Khi thao tác giơ tay lên cất hành lý có thể ảnh hưởng tới vết thương.
An Lê