PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết kỹ thuật kéo dài chi đã xuất hiện cách đây hàng trăm năm, mục đích ban đầu nhằm điều trị các bệnh lý chân ngắn, chân dài, do di chứng thương tật từ chiến tranh, lao động, những trường hợp bị viêm xương hoặc phải cắt u xương dẫn đến chân cao chân thấp, hoặc các bệnh nhân bị bệnh bại liệt…
Ở nước ta, từ năm 1995, khi bệnh bại liệt giảm dần nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng, những trường hợp bị tật chân ngắn chân dài giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, các nguyên nhân như chấn thương sau tai nạn, viêm xương khớp vẫn khiến nhiều bệnh nhân mắc dị tật này. Đặc biệt, nhu cầu kéo dài xương vì mục đích thẩm mỹ cũng tăng lên.
Năm 2017, tại Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, PGS Đoàn cùng các đồng nghiệp thực hiện gần 30 ca kéo dài chân với mục đích thẩm mỹ. Trong đó, số lượng bệnh nhân nam chiếm nhiều hơn nữ. Khi tìm đến bác sĩ, đa số bệnh nhân đã có sự tìm hiểu trước nên nắm rõ về kỹ thuật, quy trình cũng như những khó khăn trong quá trình thực hiện. Họ rất quyết tâm để có được chiều cao như ý muốn.
Theo chuyên gia này, sự tự ti về chiều cao ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, dẫn tới nhu cầu kéo dài chân. Với đàn ông, sự mặc cảm rõ ràng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, không phải ai cũng được gia đình ủng hộ.
|
PGS.TS Lê Văn Đoàn đang khám cho một bệnh nhân gặp chấn thương tay. Ảnh: Hà Quyên. |
Bác sĩ Đoàn không thể quên trường hợp một thanh niên 25 tuổi từ miền Nam, bay ra Hà Nội với quyết tâm rất lớn, xin ông thực hiện phẫu thuật kéo dài chân. Anh còn thuê nhà ở Hà Nội để sẵn sàng bước vào hành trình cải thiện chiều cao. Sau khi hoàn thành các xét nghiệm, chuẩn bị ca phẫu thuật, PGS Đoàn đã hỏi về người thân chăm sóc thì mới biết anh này đi cùng một người bạn thay vì gia đình. Cùng lúc đó, mẹ của bệnh nhân phát hiện và gọi cho bác sĩ xin dừng cuộc phẫu thuật.
“Đó là một chàng trai khiến tôi rất ấn tượng. Anh ấy gần như phát điên cầu xin được tiếp tục phẫu thuật kéo dài chân dù gia đình phản đối. Bệnh nhân nói đây là quyền lợi cá nhân, anh sẽ chịu trách nhiệm với cuộc đời mình. Anh quyết tâm đến mức chuẩn bị sẵn sàng tất cả từ chi phí đến chuyện ăn ở suốt gần một năm xa nhà”, PGS Đoàn kể. Cuối cùng, bác sĩ phải từ chối ca kéo dài chân này và khuyên bệnh nhân nên thuyết phục gia đình để có sự ủng hộ về tinh thần.
Việc kéo dài chân bắt đầu bằng ca phẫu thuật để cắt xương, xuyên đinh qua đầu xương và lắp khung bên ngoài, sau đó người thực hiện sẽ tự kéo để căng giãn tại nhà với tốc độ 1 mm/ngày. Họ thường phải nghỉ ở nhà trong thời gian một năm để hoàn thiện toàn bộ quá trình. Đây là một kỹ thuật khá phức tạp, mỗi ca mổ kéo dài gần 3 tiếng. Hiện, rất ít bác sĩ chuyên khoa tại Việt Nam có thể thực hiện được kỹ thuật này.
Theo Hà Quyên/Zing News