Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), nguyên nhân dẫn đến trẻ viêm đường hô hấp là do virus, đây là nguyên nhân chủ yếu do khả năng lây truyền dễ dàng qua tiếp xúc trực tiếp, các giọt bắn khi ho, hắt hơi,.. những loại virus thường gặp: influenzae virus, parainfluenzae virus, adenovirus
Vi khuẩn như: Streptococci aureus, Streptococus pneumoniae, Psedomonas. Ngoài ra, thời tiết lạnh, giai đoạn chuyển mùa cũng khiến tình trạng gia tăng trẻ mắc bệnh.
|
Sốt, sốt cao, sốt li bì về chiều là những dấu hiệu của viêm phế quản, viêm phổi ở trẻ. Ảnh minh họa |
BS Dũng giải thích, trong các bệnh đường hô hấp thì được chia ra làm 2 nhóm lớn là bệnh đường hô hấp trên và bệnh đường hô hấp dưới. Bệnh đường hô hấp trên thường gặp hơn. Bệnh đường hô hấp dưới ít gặp hơn như: Viêm phổi, viêm tiểu phế quản, nhưng lại vô cùng nguy hiểm, dễ gây tử vong. Vì vậy, trong thời điểm này, cha mẹ cần phải chú ý phòng ngừa để trẻ không mắc các bệnh về đường hô hấp. Và quan trọng nhất là, phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh để chăm sóc, điều trị cho trẻ kịp thời.
Để phân biệt sớm các dấu hiệu của các bệnh đường hô hấp, BS Dũng cho rằng; dấu hiệu quan trọng nhất để nhận biết bệnh về đường hô hấp là ho, chảy nước mũi, sốt, có thể chảy nước tai, khó thở. Đây là những triệu chứng rất thường gặp nhất khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên.
Chúng tôi vẫn thường khuyên các bậc cha mẹ nếu trẻ chỉ có triệu chứng ho, sốt hoặc chảy nước mũi…, các cháu vẫn ăn chơi bình thường thì cũng không cần phải đi bệnh viện, chỉ cần ở nhà chăm sóc. Chăm sóc bằng cách nào? Ho, có thể cho trẻ dùng một vài loại thuốc ho, Đông y hay Tây y đều được. Sốt, nếu không quá cao, thì giảm sốt bằng cách chườm mát ở nhà. Chảy nước mũi thì có thể dùng nước muối nhỏ mũi, kết hợp ăn uống đầy đủ… Nhưng, điều quan trọng là phải theo dõi diễn tiến của bệnh để phát hiện kịp thời các dấu hiệu nặng.
Cách theo dõi bao gồm: Quan sát những dấu hiệu bất thường về thở: Quan sát nhịp thở của trẻ bằng cách theo dõi sự lên xuống của lồng ngực. Nếu thấy các nhịp thở chậm rãi, đều thì không sao, nhưng nếu thấy đột nhiên nhịp thở bất thường (phồng lên, hạ xuống nhanh bất thường), thở mạnh, khi vén ngực trẻ lên thì thấy lồng ngực khi thở lõm sâu, cánh mũi thở phập phồng… thì đó là dấu hiệu sớm để nhận biết bệnh đường hô hấp dưới (viêm phổi, viêm tiểu phế quản).
Quan sát biểu hiện bên ngoài: Nếu mọi khi trẻ ăn chơi bình thường, hôm nay trẻ ngồi 1 chỗ, ăn ít hẳn đi, ăn vào lại nôn ra vì khó thở hoặc nếu trẻ nhỏ đang bú lại bú sữa được… thì đó có thể là dấu hiệu bệnh nặng, cần cho trẻ đi khám ngay.
Phòng các bệnh đường hô hấp ở trẻ
Các chuyên gia khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ mùa lạnh, cần giữ ấm cho trẻ (quàng khăn, đi tất, đội mũ, đeo khẩu trang…).
- Đảm bảo cho trẻ bú mẹ sau khi sinh càng sớm càng tốt, cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, uống nước ấm.
- Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ. Hướng dẫn trẻ cách giữ gìn vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh để phòng bệnh. Chú ý đến nhiệt độ cơ thể trẻ bởi khi chơi đùa, khi ngủ do trẻ thường ra nhiều mồ hôi, tránh để trẻ mặc áo ướt mồ hôi. Giữ trẻ ở nơi thông thoáng, sạch sẽ.
- Không nên để khói bếp, thuốc lá ảnh hưởng đến phòng chăm sóc, sinh hoạt của trẻ.
- Cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch, đặc biệt là các mũi tiêm phòng bệnh đường hô hấp. Vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối loãng (Natri Clorid 0,9%). Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người đang mắc các bệnh hô hấp.
- Khi trẻ có các dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Chỉ sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ, không tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ tại nhà, nhất là các loại kháng sinh.
Theo Lê Hà/Sức khỏe và Đời sống