Thạc sĩ, bác sĩ Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Điều trị chuyên ngành (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương - Hà Nội) cho hay gần đây, khoa tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân mắc bệnh ký sinh trùng. Đây được coi là căn bệnh đã bị lãng quên nhưng gần đây tăng trở lại do các phương tiện chẩn đoán tiên tiến hơn.
|
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Huy Thọ. |
Giun đũa chó mèo
Theo thạc sĩ Thọ, bệnh nhân đến khám và được phát hiện bệnh nhiều nhất tại khoa Điều trị chuyên ngành hiện nay là mắc giun đũa chó mèo. Bệnh nhân gặp triệu chứng ngứa, nổi ban, mề đay và đã từng đi khám ở các chuyên khoa da liễu, dị ứng nhưng không hiệu quả.
Giun đũa chó, mèo ký sinh ở động vật, người là vật chủ bị ký sinh nhầm. Ấu trùng này sẽ theo đường máu di chuyển tới các bộ phận trong cơ thể và khi ký sinh ở bộ phận nào, chúng sẽ gây tổn thương cho bộ phận đó.
Điều trị giun đũa chó mèo phụ thuộc vào khả năng đáp ứng thuốc của bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân sau một đợt dùng thuốc đã có hiệu quả nhưng cũng có những bệnh nhân phải điều trị từ 3-4 đợt.
Sán lá gan lớn
Đây là căn bệnh phổ biến thứ hai sau giun đũa chó mèo. Người bệnh có những tổn thương, khối u ở gan.
“Những trường hợp nhiễm sán lá gan lớn chủ yếu là bệnh nhân đã khám ở những bệnh viện tuyến trung ương chụp CT có những tổn thương gan đã loại trừ ung thư", bác sĩ Thọ nói.
Bệnh nhân sẽ được thực hiện những xét nghiệm ký sinh trùng một lần nữa, nếu kết quả dương tính sẽ được điều trị tẩy sán. Nhiều bệnh nhân nhờ điều trị sán lá gan lớn có hiệu quả nên tránh được can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật).
Ấu trùng sán lợn
Ấu trùng sán lợn là ấu trùng của sán dây lợn Taenia solium. Sán trưởng thành ký sinh ở ruột người, sán dài từ 4-12 mm gồm 900 đốt, chia làm 3 phần.
Ấu trùng này có vật chủ trung gian là lợn và thường trú ngụ ở cơ và não của lợn hay còn gọi lợn gạo. Ấu trùng sán lợn ký sinh ở não gây động kinh, co giật, liệt, nói ngọng làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh.
Theo bác sĩ Thọ, các bệnh ký sinh trùng khác nhau gây ra những khó chịu trong sinh hoạt và cuộc sống khác nhau. Bệnh nhân bị ngứa cả ngày, liên tục phải mang theo thuốc. Bệnh nhân sán lá gan sẽ có những tổn thương ở gan ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí nhiều người bị nhầm tưởng mắc ung thư gan.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo người dân cần phòng bệnh ký sinh trùng bằng cách không ăn đồ ăn sống (rau sống, thịt sống, tiết canh, nem chạo, rau thủy sinh dưới nước). Thực hiện ăn chín - uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là cách phòng bệnh ký sinh trùng tốt nhất.
Theo Hà Quyên/Zing