Bà bầu bị ho mọc tóc là cách gọi dân gian của hiện tượng ho ngứa cổ thường gặp phải ở tháng thứ 4 hoặc thứ 5 của thai kỳ. Từ trước đến nay, nhiều người vẫn cho rằng bà bầu bị ho trong giai đoạn này là do tóc em bé mọc dài khiến cổ mẹ bị ngứa.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng ho mọc tóc là quan điểm hoàn toàn không có căn cứ. Chuyện mẹ bầu bị ho và em bé mọc tóc không hề liên quan đến nhau mà chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên.
|
Bà bầu ho mọc tóc là hiện tượng không có căn cứ khoa học. (Ảnh minh họa) |
Những nguyên nhân khiến bà bầu bị ho
Sự thay đổi nội tiết trong cơ thể lúc mang thai khiến hệ miễn dịch của bà bầu suy giảm nên vi khuẩn hoặc virus từ môi trường hay từ những người xung quanh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể của bà bầu.
Thời tiết thay đổi đột ngột cũng là nguyên nhân khiến bà bầu bị ho, nhiệt độ thay đổi từ ngoài đường vào máy lạnh và ngược lại càng làm cho nguy cơ này tăng cao.
Ngoài ra, bà bầu bị ho còn do việc tăng tiết màng nhầy khiến bà bầu bị nghẹt mũi, dẫn đến ho, kể cả ho khan và ho có đờm. Nếu không được chăm sóc đúng cách, sẽ dễ dẫn đến nguy cơ tái đi tái lại bệnh, bị viêm đường hô hấp trên, ảnh hưởng sức khỏe mẹ và thai nhi.
Tử cung gây áp lực lên ổ bụng, khiến dạ dày bị trào ngược dịch lên trên đường hô hấp cũng là một trong những nguyên nhân chính gây viêm họng và ho ở bà bầu.
Cách trị ho cho bà bầu
Khi bị ho, mẹ bầu nên chữa trị dứt điểm sớm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và thai nhi. Vì phụ nữ mang thai không được khuyến khích sử dụng thuốc tây nên những cách trị ho bằng nguyên liệu thiên nhiên luôn được ưu tiên.
Trị ho bằng nghệ
|
Nghệ giúp mẹ bầu chữa ho rất hiệu quả. (Ảnh minh họa) |
Lấy một nửa cốc nước nóng cho một ít muối vào sau đó cho nửa thìa bột nghệ. Khuấy đều và uống ngày một lần, uống khoảng 3 ngày. Cách này rất hiệu quả để bảo vệ họng khỏi bị viêm.
Hoặc nếu bị đau họng do ho thì mẹ bầu có thể pha 1 thìa bột nghệ vào một cốc sữa và đun lên. Nhấp ít một sữa nóng vào sáng và tối sẽ hạn chế được ho và đau họng.
Trị ho bằng quất
Thái lát mỏng 3 – 4 quả quất đã rửa sạch vỏ, bỏ hạt, cho vào chén, đổ mật ong ngập phần quất, trộn đều và đem hấp hoặc chưng cách thủy 10 – 15 phút. Sau đó để nguội và dùng dần, mỗi ngày uống khoảng 2 – 3 lần với 1- 2 thìa cà phê. Khi uống có thể thêm vài hạt muối, không nuốt ngay mà nên ngậm 5 giây trong miệng, để quất trôi từ từ qua cổ họng, giúp giảm viêm họng, giảm ngứa rát, khan tiếng.
Trị ho bằng lê
Lê sau khi gọt vỏ cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn trộn với đường phèn và bỏ vào đun cách thủy, sau đó ăn dần giúp giảm bớt các cơn ho triền miên ở bà bầu.
Trị ho bằng mật ong hấp lá hẹ
|
Lá hẹ hấp cùng mật ong cũng là bài thuốc giúp chữa ho ở bà bầu đơn giản, hiệu quả. (Ảnh minh họa) |
Lấy 3 – 5 nhánh lá hẹ, rửa sạch, để ráo nước, thái nhỏ, cho vào bát. Đổ mật ong ngập lá, trộn đều, đem hấp hoặc đun cách thủy cho tới nhuyễn. Cách sử dụng tương tự mật ong hấp quất.
Bên cạnh những cách chữa từ nguyên liệu thiên nhiên trên, nếu mẹ bầu nhận thấy hiện tượng ho quá nhiều đi kèm triệu chứng sốt, khó chịu, chị em nên đến bệnh viện để kiểm tra đảm bảo an toàn sức khỏe cho mẹ bầu và thai nhi.
Cách đề phòng ho ở bà bầu
Vì hệ miễn dịch suy yếu nên bà bầu nên đề phòng ho bằng cách:
- Rửa tay thường xuyên, luôn mang theo mình dung dịch sát khuẩn cho tay để tránh tối đa sự lây nhiễm các loại vi trùng từ môi trường.
- Ăn các thức ăn có tỏi để tăng cường đề kháng. Ngoài ra tỏi còn có công dụng kháng viêm.
- Làm thông thoáng đường thở bằng máy khí dung hoặc đun một nồi nước sôi rồi xông.
- Đảm bảo phòng ngủ luôn có không khí trong lành. Nếu dùng máy lạnh, ban ngày mẹ bầu nên mở cửa cho khí trời vào nhà. Buổi tối đặt một bát nước trong phòng để giữ ẩm cho không khí, tránh để niêm mạc mũi và họng bị quá khô.
Theo Minh An/eva