Bác sĩ Ngô Đức Hùng (khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) thông tin vài năm trước, nữ bệnh nhân biết mình bị tiểu đường. Hai tháng gần đây, bệnh nhân bỏ thuốc, chuyển sang ăn thực dưỡng bằng cách uống sữa hạt và nhai gạo lứt, kết hợp ngồi thiền hàng ngày.
“Theo người nhà, nữ bệnh nhân được ‘người ta’ tư vấn chỉ cần thực dưỡng là khỏi. Bệnh do nghiệp gây ra nên ngồi thiền để giải nghiệp. Kết quả, sau 2 tháng ăn thực dưỡng nhai gạo lứt, uống sữa hạt và ngồi thiền, bệnh nhân giảm 7 kg, phải đi cấp cứu”, bác sĩ Hùng nói.
Khi được đưa vào viện, bệnh nhân trong tình trạng nhiễm toan chuyển hóa nặng, tăng khoảng trống anion, đường máu 21 mmol/l (bình thường lúc đói <7 ), magie máu tăng vọt, dẫn tới liệt cơ hô hấp. Bác sĩ nhanh chóng cho bệnh nhân thở máy.
|
Nữ bệnh nhân được cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Ảnh: H.N.
|
“Tình trạng rối loạn chuyển hóa hết sức nặng nề, chúng tôi đã thông báo gia đình về nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào để họ sẵn sàng”, bác sĩ Hùng cho hay.
Hiện nay, trào lưu thực dưỡng trong điều trị ung thư lại nở rộ trên mạng xã hội. Không ít người coi thực dưỡng là cách chữa bệnh không dùng thuốc, phẫu thuật không dùng dao. Trong đó, theo quảng cáo trên mạng, cách ăn số 7 còn gọi là tiết thực có hiệu quả vô song. Cách ăn này giúp cho con người sẽ hết tất cả bệnh tật.
Là người trực tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nguy kịch do chữa bệnh theo cách này, bác sĩ Hùng khẳng định: “Tuyên truyền thực dưỡng chữa bách bệnh là tội ác. Bác sĩ đang ‘xoắn’ lên nhiều phút để cứu bệnh nhân, còn thực dưỡng chỉ cần giết người trong một phút”.
Trước đó, bác sĩ Hùng cũng tiếp nhận một phụ nữ bị bệnh ung thư vú, với khối u còn nhỏ, cơ hội điều trị là rất lớn. Thay vì tin vào phác đồ điều trị của bác sĩ, bệnh nhân này đã nghe theo các chia sẻ trên mạng xã hội để ăn thực dưỡng bằng gạo lứt, muối mè, đồng thời đắp thuốc để hút tế bào độc bằng khoai sọ với lời đảm bảo “khỏi 100%”.
Sau vài tháng chữa bệnh theo cách trên, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khối u hoại tử, hạch di căn xuất hiện. Lúc này, việc chữa trị khó hơn. Người bệnh hối hận nhưng đã muộn.
Trường hợp khác, bệnh nhân 40 tuổi bị xơ gan nhưng không điều trị mà chỉ ăn thực dưỡng và uống thuốc nam. Khi vào viện, da của bệnh nhân này vàng như nghệ, gan đã không còn tác dụng và rơi vào hôn mê.
Bác sĩ phải lọc máu thay thế chức năng gan. Lúc này, bệnh nhân phải mất hàng trăm triệu mới qua được cơ nguy kịch nhưng gan bị xơ thêm một độ. Bác sĩ Hùng cho biết đó là cái giá rất đắt mà người bệnh phải trả vì chữa bệnh theo thực dưỡng.
Theo Hà Quyên/Zing News