Bữa sáng là bữa ăn vô cùng quan trọng đối với mọi người, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường. Ăn sáng đủ chất rất quan trọng để ngăn ngừa hạ đường huyết và ổn định lượng đường trong máu suốt cả ngày. Tuy nhiên, nếu ăn sáng không đúng cách sẽ chẳng khác nào bơm đường vào người.
Theo bác sĩ Đường Hàm Ngọc, chuyên gia đến từ Khoa Nội tiết, Bệnh viện Ershadao, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, bữa sáng phải vừa no vừa đủ, tổng lượng calo của bữa sáng nên đạt từ 20% đến 35% tổng lượng calo cả ngày, đồng thời cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng phù hợp và cân bằng.
Đặc biệt, đối với những người tiểu đường, cần chú ý đặc biệt đến bữa sáng.
|
Ảnh minh hoạ. |
Bữa sáng nhất định phải có lương thực chính, lương thực truyền thống bao gồm cháo, mì, bánh bao, bún, phở… Đây là những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, phải ăn uống đúng cách mới kiểm soát được lượng đường.
1 - Cháo: Cháo là một loại thức ăn bán lỏng được nấu từ gạo và các nguyên liệu khác, là món ngon truyền thống phổ biến, nhiều người có thói quen húp một bát cháo nóng vào buổi sáng. Nhưng cháo nấu lâu, tinh bột dễ hồ hóa, chỉ số đường huyết sẽ tăng cao, có thể nhanh chóng làm tăng đường huyết, người tiểu đường có ăn được không?
Câu trả lời là: Có! Tuy nhiên, khuyến cáo không nên ăn cháo trắng hay cháo đơn thuần, chỉ cần thay đổi một chút là bạn có thể giữ đường huyết ổn định khi ăn cháo. Cụ thể:
1. Khi nấu cháo nên dùng nhiều loại thực phẩm nguyên hạt như gạo đen, gạo lứt, yến mạch, kiều mạch, ngô hạt, đậu đỗ… hoặc cháo thịt, cháo rau củ…
2. Không nấu quá lâu làm giảm độ hồ hóa.
3. Tránh tình trạng chỉ ăn cháo vào bữa sáng, chú ý kết hợp một số thực phẩm khác như rau xanh, trứng, thịt, v.v.
4. Giống như bữa trưa và bữa tối, bạn cũng nên chú ý đến thứ tự bữa ăn cho bữa sáng, nên áp dụng thứ tự ăn rau-thịt-thực phẩm chính.
5. Kiểm soát lượng cháo, ngày ăn 1 lần, mỗi lần 1 bát nhỏ.
2 - Bún, mì phở: Đây cũng là những món ăn sáng phổ biến, có nhiều loại và cách chế biến. Tuy nhiên, bún, mì, phở cũng là thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, người bị bệnh tiểu đường cũng nên chú ý khi ăn.
1. Chọn sợi mì, bún, phở làm từ hạt thô hơn, chẳng hạn như bột ngô, bột đậu nành, bột khoai lang, bột yến mạch, v.v.
2. Cố gắng tự nấu mì, giảm sử dụng gia vị, hy sinh một số hương vị và đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh.
3. Khi nấu mì có thể trộn với rau, trứng, thịt,.. có thể làm mì rau, mì trứng, mì thịt bò,... để giảm lượng mì.
4. Không nấu mì quá lâu để tránh bị hồ.
|
Ảnh minh hoạ. |
3. Bánh bao, bánh hấp: Bánh hấp và bánh bao cũng giống như mì, nguyên liệu chính là bột mì, chỉ số đường huyết không nhỏ. Cũng nên chọn bánh bao hoặc bánh hấp làm bằng bột ngũ cốc thô.
Ngoài ra, khi chọn bánh cũng nên xem nhân bên trong, không nên chọn nhân có hàm lượng đường cao như nhân đậu đỏ, nhân đường trắng, nhân thịt sốt. Bánh hấp và bánh bao hấp không nên ăn quá nhiều, 1-2 cái là được, nên ăn với sữa đậu nành hoặc sữa, trứng, rau củ, v.v.
Theo bác sĩ Đường, một bữa sáng bổ dưỡng và phong phú nên bao gồm 1 thực phẩm chủ yếu là ngũ cốc, 1 loại rau, 1 quả trứng hoặc một ly sữa hoặc sữa đậu nành nhạt.
Bữa sáng của đa số mọi người chủ yếu là tinh bột, ít rau và thực phẩm chứa đạm, khiến chỉ số đường huyết tổng thể cao hơn, dẫn đến lượng đường trong máu sau bữa ăn cao. Trên thực tế, khi tổng lượng ăn vào gần như nhau, thì bữa sáng càng đa dạng về thực phẩm thì tác động lên lượng đường trong máu càng nhỏ.
Kiều Dụ (Theo SH)