Mộc nhĩ là loại nấm rất giàu chất dinh dưỡng và chứa nhiều axit amin, vitamin, sắt, canxi và chất keo,…
Loại nấm này có tác dụng tốt đối với hệ tiêu hóa của con người như dưỡng ẩm, dưỡng khí, dưỡng não, dưỡng phổi, còn có tác dụng cầm máu, thành phần có hoạt tính chống khối u, có thể làm giảm cục máu đông, giảm xơ vữa động mạch vành. Tuy nhiên, dùng sai cách, nấm mộc nhĩ có thể lấy mạng con người như chơi.
Theo thông tin đăng tải, cô Vương sống ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, mấy ngày trước cảm thấy chán ăn, không muốn ăn các loại thịt, cá. Nghĩ đến số mộc nhĩ đã ngâm sẵn để trong tủ lạnh 2 ngày trước, cô Vương quyết định làm món nấm mộc nhĩ trộn để khai vị.
|
Ảnh minh hoạ. |
Sau khi lấy nấm khỏi tủ lạnh, cô Vương cũng cẩn thận đun sôi lại, rửa sạch rồi mới chế biến. Thế nhưng, chỉ một tiếng đồng hồ sau khi ăn trưa, cô Vương bắt đầu buồn nôn và nôn, đau bụng dữ dội, đến tối thì các triệu chứng ngộ độc của cô càng nặng hơn, không chỉ nôn, tiêu chảy mà thân nhiệt còn tăng lên 39 độ.
Được gia đình đưa đến bệnh viện, huyết áp của cô Vương lúc đó chỉ còn 79/56 mmHg, nhịp tim 125 nhịp/phút, chân tay tê buốt, da chuyển vàng xanh, mất ý thức. Sau khi được chuyển đến khoa tiêu hóa, các chỉ số sự sống của bệnh nhân tiếp tục bất thường.
Ngay lập tức, cô Vương được khẩn trương chuyển đến khoa hồi sức tích cực để chống sốc, chống nhiễm trùng và truyền máu. Qua điều trị lọc máu liên tục, các triệu chứng nhiễm trùng của cô Vương được cải thiện đáng kể. Cô Vương cũng tỉnh táo hơn, thoát khỏi cơn nguy kịch, được chuyển sang khoa thận để theo dõi.
Bác sĩ Phương Khôn - Trưởng khoa ICU của Bệnh viện Chữ thập đỏ Hàng Châu cho biết, bản thân loại nấm mộc nhĩ không có độc, nhưng trong quá trình ngâm, một loại vi khuẩn cực độc có thể phát triển, chỉ cần tiêu thụ từ 1 đến 1,5mg cũng có thể gây tử vong.
Chính vì vậy, sau khi sơ chế, chế biến, hãy ăn ngay nấm mộc nhĩ. Không dùng nấm mộc nhĩ đã sơ chế sau 4 tiếng. Đặc biệt khi nấm nhớt, có mùi, phải dứt khoát vứt bỏ.
Kiều Dụ (Theo ET)