Ăn lẩu ngày lạnh, thực khách mắc bệnh hiểm vì điều không ai ngờ

Google News

(Kiến Thức) - Lẩu là món khoái khẩu của cô Tương khi tiết trời chuyển lạnh. Vậy nhưng, nằm mơ cô cũng không ngờ “món tủ” này lại là “quả bom hẹn giờ”, khiến cô khốn khổ vì mắc bệnh hiểm.

Cô Tương năm nay 58 tuổi ở Trung Quốc, tính tình hướng ngoại. Cô rất thích đi ăn cùng bạn bè, tán gẫu “giết” thời gian.
Khi ăn hàng, cô Tương và bạn bè rất thích món lẩu thập cẩm bởi nguyên liệu đa dạng, thường gọi rất nhiều món từ thịt nhúng cho đến các loại nội tạng ăn kèm như dạ dày, cổ họng giòn dai... Hương vị tươi ngon, nóng hổi của lẩu khiến mọi người “mê mệt”, gần như tuần nào cũng tụ họp ăn uống.
Một tháng trước, cô Tương bỗng cảm thấy mắt ngày càng mờ đi. Lúc đầu, cô nghĩ mình bị lão thị nên đến tiệm để cắt kính. Vậy nhưng, khả năng nhìn của cô không mấy cải thiện, thậm chí ngày càng nghiêm trọng. Lúc nào cô Tương cũng cảm thấy có gì đó lơ lửng, mắt cũng ngày càng mờ hơn.
Thị lực giảm nhanh, đeo kính cũng không giúp được ích gì. Cô Tương lo lắng không biết mình có mắc bệnh gì nghiêm trọng về mắt không. Sợ bị mù, cô vội đến bệnh viện để khám.
An lau ngay lanh, thuc khach mac benh hiem vi dieu khong ai ngo
 Thói quen ăn lẩu tái ngày lạnh khiến cô Tương nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii nguy hiểm.
Để điều trị triệu chứng, bác sĩ cần tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, vấn đề về mắt của bệnh nhân khá đặc biệt. Cô từng thăm khám tại nhiều bệnh viện, tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân.
Thị lực suy giảm trầm trọng, cô Tương tìm đến Bệnh viện Nhân dân số 1 Hàng Châu thăm khám. Tại đây, bác sĩ chuyên khoa mắt sử dụng thiết bị soi đáy mắt tiên tiến, kết hợp xét nghiệm dịch nội nhãn. Kết quả cho thấy, bệnh nhân nhiễm khuẩn Toxoplasma gondii. Đây chính là lý do khiến cô Tương mất thị lực đột ngột.
Được biết, ký sinh trùng Toxoplasma gondii là một loại ký sinh trùng ở động vật máu nóng như chim, mèo... Ký sinh trùng Toxoplasma gondii xâm nhập cơ thể chủ yếu qua đường tiêu hóa, có thể ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể, thường gặp nhất là não và hệ cơ. Toxoplasma gondii có thể tấn công cơ thể người khi chúng ta ăn đồ ăn chưa nấu chín hoặc trái cây chưa rửa sạch hay tiếp xúc với đất ô nhiễm.
Nghe bác sĩ thông báo, cô Tương rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao mình nhiễm Toxoplasma gondii vì bản thân không nuôi hay chạm vào mèo.
Quá trình tìm hiểu, bác sĩ nhận thấy bệnh nhân rất thích ăn lẩu ngày lạnh, đặc biệt thích nhúng tái những nguyên liệu như dạ dày. Trong khi đó, nhúng những nguyên liệu này trong nước nóng trong thời gian ngắn khó có thể tiêu diệt ký sinh trùng. Đây là lý do khiến cô nhiễm khuẩn, gây bệnh hiểm.
Theo bác sĩ, ngoài vật chủ là mèo, Toxoplasma gondii còn phổ biến ở những động vật như chó, lợn, cừu, gia súc, ngựa. Toxoplasma gondii thường xâm nhập và gây hại ở các vị trí như mắt, não, tim, gan và các hạch bạch huyết. Trong nhãn khoa, bệnh do Toxoplasma gondii không hề hiếm.
Để tránh nhiễm khuẩn, bạn nên làm chín thịt hoàn toàn khi nhiệt độ nước lẩu đạt 100℃. Lưu ý, nên giữ thực phẩm trong một thời gian để vi khuẩn bị tiêu diệt hết.
Ngoài ra, bạn cũng nên thận trọng khi ăn sống các nguyên liệu như hàu, ngao hay các động vật có vỏ khác. Nguyên nhân bởi các nang noãn của Toxoplasma gondii có thể tồn tại trong nước biển vài tháng.

Mời độc giả xem thêm video: Món ăn ngon từ...úp nồi (Nguồn video: THĐT)

Định Tâm (Theo SH)