Sau khi bệnh nhân bị hóc vì cố gắng nuốt mỏ gà, gia đình đã chữa bằng mẹo nhưng đều không có kết quả. Do quá đau đớn, bà đến bệnh viện tỉnh thăm khám, được chuyển xuống Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Bệnh nhân đã được chụp phim CT và nội soi thực quản ống cứng kiểm tra nhưng không phát hiện ra dị vật.
|
Nữ bệnh nhân đã được các bác sĩ gắp thành công dị vật là mỏ gà khỏi thực quản. Ảnh: HQ. |
Bác sĩ Thắng cho biết thời gian gần đây khoa Cấp cứu thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân đến cấp cứu do bị hóc xương khi ăn uống.
“Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 ca đến khám vì hóc xương, trong đó có những ca nặng phải phẫu thuật và nằm viện điều trị nhiều ngày”, bác sĩ Thắng cho hay.
Tại bệnh viện, bệnh nhân Nguyễn Thị Thơm (đã đổi tên, 95 tuổi, ở Hải Hậu, Nam Định), cũng nhập viện do bị hóc xương. Tai nạn xảy ra khi bệnh nhân vừa ăn vừa nói chuyện. Kết quả chụp phim cho thấy bệnh nhân này có dị vật (xương cá) đâm xuyên từ lòng thực quản ra vùng cổ. Ngay sau đó, bệnh nhân được các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương mở cạnh cổ lấy dị vật.
Những sự cố hóc xương được cấp cứu đa phần do người dân thường có thói quen vừa ăn vừa nói chuyện hoặc cười đùa, bên cạnh đó là cách chế biến cá để nguyên con, không lọc hoặc loại bỏ phần xương trước khi ăn.
Theo bác sĩ Thắng, bản chất dị vật xương cá thường là sắc nhọn và dài vì thế rất dễ hóc. Hơn nữa, khi bị hóc người bệnh sẽ thấy nuốt đau nhói, hoặc nuốt vướng (trong trường hợp xương đâm ra ngoài thực quản người bệnh ban đầu không để ý, hoặc cố tình giấu chỉ đến khi sưng đau mới đến viện để thăm khám). Tuy nhiên, lúc này, tình trạng đã chuyển biến nặng gây nhiễm trùng, đặc biệt là trường hợp hóc xương cá biển.
Nhiều trường hợp khi đến khám và được chỉ chụp X-quang thường khó xác định được dị vật hoặc vị trí của chúng. Để biết chính xác vị trí, bệnh nhân cần phải chụp CT-scanner vùng cổ, kết hợp với nội soi ống cứng (ít sử dụng ống mềm vì khó gắp những dị vật to và có thể làm hỏng đầu gắp). Khi đã xác định được vị trí, các bác sĩ sẽ có phương pháp xử lý tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Thông thường, tất cả bệnh nhân đều được soi ống cứng kiểm tra, nếu có dị vật sẽ tiến hành gắp luôn. Trong trường hợp soi không thấy dị vật, các bác sĩ có thể chọn phương pháp mở cạnh cổ để lấy dị vật. Tuy nhiên, phương pháp này yêu cầu các bác sĩ phải có kinh nghiệm phẫu thuật đầu cổ, vì xương hóc thường nhỏ và dài rất dễ lẫn với tổ chức gân cơ vùng cổ.
“Vùng cổ là nơi có nhiều mạch máu lớn, đó là chưa kể người bệnh đã bị nhiễm trùng và dị vật sắc nhọn... vì thế nguy cơ chảy máu rất cao. Ngoài ra, những trường hợp có bệnh lý mạn tính cũng đòi hỏi bác sĩ phải đưa ra phương pháp điều trị sao cho hợp lý”, bác sĩ Thắng chia sẻ.
Việc xử trí những dị vật đã chui qua thực quản ra ngoài vùng cổ sẽ phải tiến hành những phẫu thuật lớn, thời gian điều trị kéo dài gây đau đớn cho bản thân người bệnh và chi phí cũng rất lớn.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo trong trường hợp bị hóc xương, không nên tự ý dùng tay để cố lấy dị vật hoặc dùng mẹo để chữa, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế được được thăm khám và xử trí kịp thời.
Theo Hà Quyên/ Zing