“Chúng tôi phải làm sao đây?”. “Ai đó làm ơn cho tôi biết phải ăn gì, uống gì… thì mới không nuốt chất độc vào bụng mình?”. “Ai đó làm ơn cho tôi biết phải làm sao để phòng tránh các loại chất độc có trong từng bữa ăn hàng ngày, làm sao để tránh thực phẩm bẩn?”... Đó là những bình luận, câu hỏi phổ biến mà chúng tôi nhận được sau khi khởi đăng loạt phóng sự dài kỳ: “Người Việt, đừng tự đầu độc mình”.
"Thùng rác vĩ đại"
Mấy hôm nay, bà Nguyễn Thùy Dung ở quận Hải Châu (thành phố Đà Nẵng) lúc nào lo lắng bởi nỗi ám ảnh, rằng mình đã và đang gián tiếp "đầu độc" chồng, con, bố mẹ mình. Mở cho chúng tôi xem sản phẩm của “sau gần 2 tiếng đồng hồ loay hoay trong chợ” gồm một miếng thịt heo “được người bán hàng thân quen cam kết là heo quê, nuôi đúng quy trình truyền thống và không có chất tạo nạc”; một ít giá đỗ cũng “một bà người quen trong quê ở Quảng Nam ra bán, thề là không có chất kích thích” và một ít cá dìa “cũng từ một người quen bán, nói là đánh bắt tự nhiên trên phá Tam Giang tận ngoài Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) mang vô, không phải cá nuôi bằng thuốc tránh thai để kích thích tăng trưởng”; bà Dung thở dài: “Là nghe người ta nói vậy chứ làm sao biết được những thứ mình mua về cho chồng con ăn trưa nay có chứa độc tố hay không? Đây là mình đang ăn bằng niềm tin, các anh ạ”.
|
Anh Lê Văn Kề (Long Kiến- Chợ Mới-An Giang) đang "tắm" hỗn hợp hóa chất lên rẫy ớt mà chỉ ngày hôm sau sẽ vào đợt thu hoạch. Ảnh: Lục Tùng |
Bà Dung kể, một người bạn là bác sĩ, gởi cho bà tài liệu y học nói, bây giờ chúng ta tìm thấy trong gạo không chỉ có dầu máy, sáp nến, mà còn có cả dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng cho phép; trong trứng gà có chất độc sudan; trong sữa có melamin; trong đậu phụ và ván đậu có sodium formaldehyde sulfoxylate; trong xúc xích có dichlorvos; trong thủy hải sản có focmon bảo quản tươi sống và thuốc tránh thai để vỗ béo; các loại rau củ quả thì dùng chất kích thích cho nhanh chín, nhanh lớn; gia cầm thì dùng thuốc tăng trọng; gia súc thì cho ăn chất tạo nạc, tiêm thuốc ngủ, bơm nước vào tĩnh mạch để ăn gian trọng lượng...
“Đọc xong tôi hoảng quá, bàn với chồng, con thôi từ nay, nhà mình không ăn mặn nữa mà chuyển qua ăn chay để bảo vệ sức khỏe. Nhưng các anh biết không? Bạn tôi nói chạy trời không khỏi nắng, vì không chỉ cá thịt mà rau củ quả, đậu phụ, các loại nấm, xì dầu… hiện đều chứa các loại độc tố là tác nhân gây ung thư do chính con người “bơm” vào. Rứa là nghe xong tui rớt cái bịch xuống ghế! Hóa ra lâu nay cơ thể mình là cái thùng rác vĩ đại!”.
Loay hoay tự cứu
Để tự cứu mình và gia đình khỏi nhiễm độc được chừng nào hay chừng đó, bà Dung khoe, mấy tháng nay gia đình bà và bạn bè rủ nhau đặt mua gạo an toàn Tâm Việt trực tiếp tận Hồng Ngự (Đồng Tháp). Dù mỗi ký gạo đến Đà Nẵng có giá đến 25 ngàn đồng, gần gấp rưỡi giá gạo tốt nhất ngoài thị trường, nhưng nghe nói đây là cơ sở sản xuất lúa gạo hoàn toàn đảm bảo không tồn dư chất bảo vệ thực vật, nên các bà nội trợ rủ nhau đặt mua, những mong hạn chế bớt nguồn độc hại từ thức ăn. Bà Dung nói: “Thú thật, chúng tôi cũng mua gạo, các loại thực phẩm được giới thiệu là sạch kiểu này là theo niềm tin thôi bởi mình đâu có cơ sở nào để kiểm định độ an toàn”.
|
Người Việt đang tự biến mình thành cái "thùng rác" bởi kiểu chế biến thực phẩm (trong ảnh là cà phê) bẩn kinh hoàng như thế này . Ảnh: Thanh Hải. |
Những “bà Dung” khác ở Đà Nẵng và khắp nơi trên đất nước mình còn có những cách tự vệ khác như: Nhờ người thân ở quê trồng đậu phụng rồi ép dầu bằng tay để mang về dùng; tự trồng lấy các loại rau, tự nuôi lấy gia cầm hoặc tìm nguồn cung cấp sạch định kỳ ở quê… Thậm chí có người còn cực đoan hơn khi mỗi ngày chỉ cho chồng con mình ăn một bữa cơm gọi là “cho có tinh bột trong người”, còn lại các bữa ăn được thay thế bằng các loại thực phẩm chức năng có tên là “thức ăn thông minh”.
Bây giờ ngoài đường, phổ biến và thời thượng nhất là các biển quảng cáo liên quan đến thực phẩm sạch như “rau sạch”, “cà phê sạch”, “gà sạch”, “trái cây sạch”. Hầu hết các thành phố lớn nhỏ trên cả nước, ví như Đà Nẵng, tại các chợ ở khu vực trung tâm thành phố như chợ Hàn Heo, chợ Tân Lập, chợ Mả Vôi… đều có riêng những gian hàng bán nông sản xuất xứ từ “trong quê”, do chính “người trong quê” bán hoặc qua đầu mối tư thương. Ở đó, các bà nội trợ thường là “khách quen” tìm thấy các loại thịt heo, bò, gà; các loại rau củ quả có nguồn gốc từ các huyện Đại Lộc, Quế Sơn hoặc Hội An (Quảng Nam)…
Các loại thực phẩm này được người bán cam kết là đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không có tồn dư chất bảo vệ thực vật, tóm lại là “sạch”. Tuy vậy, người mua cũng chỉ ăn nhờ vào niềm tin rất mơ hồ. Bởi ngay các vùng quê nêu trên bây giờ cũng không còn sản xuất nông nghiệp sạch, chỉ tự cung tự cấp như xưa mà đã và đang tham gia vào chuỗi xản xuất hàng hóa kiểu “hội nhập”.
Tất cả các loại vật nuôi, cho dù là gà thả vườn, heo nuôi lẻ vài con trong mỗi nông hộ, thì tất cả đều mua sẵn bột thức ăn. Mà ngay người chăn nuôi cũng chẳng biết thành phần gì trong những bao bột thức ăn giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh, nạc nhiều và lợi nhuận gấp nhiều lần so trước đây.
Thậm chí những mánh khóe kiểu “một trái dưa bé bằng ngón tay cái, sau một đêm ngâm vào một loại dung dịch hòa tan không rõ nguồn gốc xuất xứ đã lớn bằng bắp tay” trước đây chỉ “nghe đồn” ở đâu đó thì bây giờ, chính mắt chúng tôi đã nhìn thấy ngay ở quê, trong nhà mình…
Sống chết mặc bay và… quả báo nhãn tiền
Có một chuyện hài thường được lan truyền làm ví dụ khi đề cập đến chủ đề người Việt tự đầu độc rằng, có ông trồng chè, vì muốn bảo vệ an toàn cho mình, còn lại sống chết mặc bây, nên đã để riêng một khoảnh chè không xịt thuốc bảo vệ thực vật cho gia đình mình uống.
Hàng xóm của ông, một người trồng trái cây, cũng suy nghĩ tương tự khi khoanh lại một khoảnh vườn không xịt thuốc bảo vệ thực vật cho gia đình mình ăn. Tuy nhiên sau một thời gian, cả hai ông trồng chè và trái cây nói trên đều bị… ung thư. Hóa ra, nhiều năm liền, ông trồng chè chuyên ăn trái cây tẩm thuốc bảo vệ thực vật của ông hàng xóm và ngược lại!
Báo động là chuyện hai ông trồng chè và trái cây không còn là sự tếu táo đâu đó trên mạng mà đã và đang hiện hữu rất gần trong cuộc sống quanh mỗi chúng ta. Lấy ví dụ ông Nguyễn Văn Bốn ở xã Điện Quang (huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Quá sợ dư lượng thuốc trừ sâu, phân hóa học, các loại thuốc kích thích tăng trưởng của lúa, ông Bốn đã chừa riêng mấy sào ruộng, canh tác theo lối cũ, để có gạo sạch dành riêng cho gia đình sử dụng.
Nhiều người dân quê ông Bốn cũng nhận thức rất rõ tác hại khi các chất bảo vệ thực vật bị lạm dụng, nên người trồng rau cũng chừa riêng vài luống để dùng trong gia đình, kẻ trồng cà, người trồng chè cũng không quên để riêng mấy gốc nhằm lấy quả, lá sạch cho người thân…
|
Sau khi ngậm thuốc BVTV rồi được phơi ngoài trời nên trái ớt bị "bẩn" đến 2 lần. Ảnh: Lục Tùng |
“Nhưng rồi, nhà nào cũng có người bị ung thư cả”- ông Bốn chua chát nhận ra một thực trạng: “Bởi ở đây chẳng ai đủ khả năng tự cung trọn gói cho mình”. Là ông Bốn chưa nói đến chuyện những thứ được mua bên ngoài xã Điện Quang của ông và xa hơn, liệu có ai dám chắc không lặp lại đúng “kịch bản” do chính ông đã thực hiện: Thực phẩm độc chỉ dành cho ai đó ăn, còn mình đã có đồ sạch…
Lương y Thích Tuệ Tâm, Giám đốc Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa (thành phố Huế) nói: “30 năm trước, thỉnh thoảng chúng ta mới nghe thấy có người mắc bệnh tiểu đường, và tương tự như vậy là bệnh ung thư. Nhưng ngày nay, xung quanh ta, các bệnh vừa kể đã trở nên phổ biến. Thông thường, chúng ta chỉ quan tâm tới việc người ta chết vì ung thư, tim mạch hay tai biến, nhưng không chú ý đến những sát thủ ẩn nấp đằng sau những căn bệnh đó - chính là những chất độc mà chúng ta đưa vào miệng hàng ngày qua từng bữa ăn tích tụ theo năm tháng...”.
Vậy nên ví dụ về hai ông trồng chè và trái cây, một mặt là thói xấu của người Việt mình trong sản xuất kinh doanh, một mặt là bài học về sự quả báo nhãn tiền cho những ai bất chấp tất cả, kể cả đầu độc đồng loại, giống nói mình vì lợi ích trước mắt…
Theo Lao Động