Ai nên cạo gió, ai nên tránh?

Google News

Cạo gió là một cách làm dân gian được sử dụng phổ biến để trị các chứng bệnh cảm cúm, đau nhức cơ thể.

Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn - Trưởng khoa Đông y - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, cạo gió thực chất có dựa theo học thuyết âm dương, kinh lạc trong y học cổ truyền để phòng và chữa trị bệnh tật. Để tiến hành, người ta dùng bờ của những vật có cạnh hình cung tròn và nhẵn nhụi như thìa nhôm, tiền kim loại, miệng chén, bát, đĩa sứ, lược, nhẫn bạc, sừng trâu... để tác động lên các vị trí thích hợp khác nhau trên cơ thể.
Thông thường, vị trí cạo là dọc hai bên cổ gáy, từ cổ dọc xuống đến vai, dọc hai bên cột sống rồi tỏa ra hai bên mạng sườn, kín hết lưng. Nếu người bệnh ho, ngứa cổ họng có thể cạo thêm dọc xương mỏ ác ở ngực. Nếu bụng lạnh đau, cạo thêm vùng bụng, nếu nhức dọc chi trên nên cạo thêm cánh tay và cẳng tay.
Ai nen cao gio, ai nen tranh?
Ảnh minh họa. 
Khi nào nên cạo gió?
Thạc sĩ Toàn nhận định không phải tất cả trường hợp ốm đau đều có thể tiến hành cạo gió. “Phương pháp này chỉ được sử dụng thực sự thích hợp khi bị cảm mạo, bao gồm cả cảm mạo thông thường và cảm mạo dịch, tức cảm cúm, bệnh cúm”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Nguyên nhân gây nên cảm mạo thường do hai yếu tố, sức đề kháng của cơ thể giảm sút và do mầm bệnh như phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa xâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra, cạo gió còn được chỉ định trong các trường hợp nhức đầu, đau mình mẩy, hoa mắt, chóng mặt...
Đồng quan điểm, bác sĩ Cao Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Thừa kế Ứng dụng Hội Đông y Hà Nội, Trưởng phòng khám Đông y, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp giải thích thêm, khi gặp phong, hàn, hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể có phản ứng co thắt để bảo vệ chính mình, gây ứ đọng huyết độc, khí độc gây đau người, nhức mỏi, nhức đầu, mỏi mệt,… Lúc này, cạo gió tác động lên vùng cơ bị nhức mỏi kết hợp tính nóng của dầu xoa làm giãn cơ, giúp lưu thông khí huyết nên khỏi bệnh.
Tuy nhiên cần phân biệt đâu là cảm phong nhiệt hoặc say nắng. Bởi trong hai trường hợp này, việc tiến hành cạo gió rất nguy hiểm khi không những không giảm bệnh, không làm mát cơ thể mà còn làm cho khí nóng tích tụ thêm vào cơ thể trong khi sức nóng vốn tích tụ trong cơ thể vẫn bị tích lại làm cho tình trạng bệnh càng nặng hơn. Thậm chí, cạo gió lúc này còn làm cho huyết áp tăng cao dẫn đến các tai biến như nguy cơ bị liệt mặt, méo mồm, xuất huyết não...
Người bị cảm lạnh thường ít sốt, gai gai lạnh trong khi người bị cảm phong nhiệt sẽ nóng, không sợ lạnh, khô môi, nước tiểu vàng, ra mồ hôi.
Nguyên tắc cạo gió
Để tránh các tai biến không đáng có, bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không tiến hành cạo gió với trẻ em bởi da của trẻ rất non và mỏng nên rất dễ xung huyết, khí huyết cũng rất yếu sẽ không chịu được nhiệt độ cao khi cạo gió. Bệnh nhân tim, cao huyết áp, phụ nữ có thai và người bị các bệnh da liễu ở những vị trí cần cạo gió cũng là những đối tượng tuyệt đối không cạo gió dưới bất kỳ trường hợp cảm nào. Trong trường hợp bị cảm lạnh nhưng cơ thể có dấu hiệu suy nhược cũng cần tránh cạo gió để tránh mất huyết, vỡ mạch, ép cơ thể phải sản sinh ra huyết nhiều hơn.
Theo bác sĩ Hương, mỗi bộ phận cạo khoảng từ 3-5 phút sẽ thấy nổi vết đỏ tím. Nhiều nhất cũng không nên cạo quá 10 phút, cũng không nên dùng lực cưỡng bức để tạo vết.
Về cách thức tiến hành, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn hướng dẫn, trước hết cần chọn nơi kín gió, để người bệnh nằm ngay ngắn, tĩnh tâm, toàn thân thư giãn. Sau đó sát trùng dụng cụ cạo gió, thoa dầu gió lên vùng cần cạo rồi dùng lực vừa phải miết đều theo hướng một chiều từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài sao cho người bệnh cảm thấy nóng ấm, dễ chịu. Ở vùng lưng có thể dùng lực mạnh hơn một chút. Lần lượt cạo từ vùng này sang vùng khác đến khi da ửng đỏ thì dừng lại.
Dụng cụ cạo gió cần cầm thẳng không nên cầm nghiêng vì dễ gây xuất huyết. Không cho bệnh nhân đi ra ngoài ngay sau khi cạo gió để tránh bị cảm lại. Sau khi cạo gió, nên cho người bệnh uống một cốc sữa hoắc một cốc trà gừng nóng hoặc ăn một bát cháo giải cảm có hành tươi và tía tô rồi đắp chăn nằm nghỉ.
“Cạo gió là một phương pháp trị liệu đơn giản nhưng trong mọi trường hợp vẫn rất cần sự khám xét và chỉ định cụ thể của các thầy thuốc có chuyên khoa”, thạc sĩ Toàn lưu ý thêm.
Theo Zing News