Ai có nguy cơ đột quỵ khi tập gym?

Google News

Thời gian gần đây, các trường hợp tập luyện gym bị chấn thương nặng, dẫn đến thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ, đặc biệt đột quỵ,... không còn là hiện tượng hiếm gặp.

Tập luyện trong phòng gym phù hợp hầu hết mọi đối tượng. Tuy nhiên, thể trạng của mỗi người không giống nhau, chúng ta phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe để điều chỉnh lượng bài tập, chế độ dinh dưỡng sao cho hợp lý.
Thời gian gần đây, các trường hợp tập luyện bị chấn thương nặng, dẫn đến thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ, đặc biệt đột quỵ,... không còn là hiện tượng hiếm gặp. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tập luyện gym sai cách, không phù hợp với sức khỏe.
Dưới đây là chia sẻ của chuyên gia thể hình Nguyễn Thế Thanh Tùng, Hiệp hội khoa học thể thao quốc tế - ISSA về những trường hợp có nguy cơ mắc đột quỵ trong khi tập luyện cùng Zing.vn:
Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi một phần não bộ bị tổn thương do tắc mạch máu đi nuôi não, gây đột quỵ nhồi máu não hay vỡ mạch máu não làm đột quỵ xuất huyết não. Não không được cung cấp oxy, đột ngột ngưng trệ trong vài phút, tế bào não bắt đầu chết dần, có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Ai co nguy co dot quy khi tap gym?
Chàng trai 17 tuổi tại TP.HCM bị đột quỵ khi đang tập gym. Ảnh: Phú Mỹ 
Khi tập luyện, nhịp tim sẽ thay đổi, đập nhanh hơn. Nếu không thường xuyên tập luyện để kiểm soát nhịp tim, sẽ rất nguy hiểm khi nhịp tim lên cao. Các dấu hiệu của đột quỵ như:
- Đau đầu dữ dội, choáng váng, cứng cổ và buồn nôn
- Gặp khó khăn trong việc nói và hiểu người khác nói gì
- Mắt mờ hoặc mù một bên, thấy hình nhân đôi.
- Mấy ý thức: người bệnh sững sờ, không biết gì, khó đánh thức hoặc đột ngột, đôi khi tử vong ngay.
Các dấu hiệu này chỉ thoáng qua, kéo dài trong vài phút sau đó người bệnh trở lại trạng thái bình thường. Đây là cơn thiếu máu não, dấu hiệu rất quan trọng cần được kiểm tra ngay, không nên coi thường.
Những người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp cao hoặc huyết áp thấp, bệnh về hô hấp, hen xuyễn, nghiện rượu bia, thuốc lá, người cao tuổi đang có rối loạn về nhận thức là những đối tượng dễ gặp phải căn bệnh này.
Khi tập luyện, người mắc các bệnh trên cần cẩn thận, tránh vận động quá sức, tốt nhất nên có huấn luyện viên quan sát và kiểm tra nhịp tim liên tục để đảm bảo sự an toàn.
Người mắc các bệnh mạn tính liên quan đến tim mạch, hô hấp cần lưu ý chế độ tập luyện, dinh dưỡng sau:
- Luôn kiểm tra nhịp tim và giữ nhịp tim ở vùng an toàn khi tập luyện (<75% nhịp tim tối đa)
- Kiểm tra huyết áp mỗi ngày (huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg)
- Luôn mang theo thuốc xịt hen suyễn (phòng khi bị lên cơn trong lúc tập luyện)
- Tập luyện 3-5 ngày/tuần để cải thiện và duy trì tình trạng sức khỏe tốt
- Khi tập luyện, chỉ nên chạm ngưỡng cao nhất là mức độ hơi khó thở nhưng vẫn có thể trò chuyện được
- Không nên ăn quá mặn, giảm lượng muối không quá 1,5 g/ngày
- Tránh thức ăn có lượng cholesterol cao
- Không uống nhiều rượu bia, không hút thuốc lá
- Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày
- Nên điều chỉnh trọng lượng cơ thể để tránh béo phì ảnh hưởng đến các bệnh về tim mạch
- Ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày
Tập luyện giúp bạn khỏe hơn, ngăn ngừa, giảm thiểu bệnh tái phát hoặc trở nên nặng hơn. Ngoài ra, trong thói quen hàng ngày, chúng ta cũng phải tập cho mình một lối sống lành mạnh để ngăn ngừa bệnh mạn tính, giảm thiểu tình trạng xấu nhất có thể xảy ra.
Theo Chuyên gia thể hình Thanh Tùng /Zing News