Tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm, khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận khoảng 50 - 60 trường hợp sốc phản vệ được chuyển đến từ các bệnh viện khác. Con số này tăng nhiều so với 5-10 năm trước. Chi phí thuốc cấp cứu sốc phản vệ không đắt nhưng quan trọng là thời gian cấp cứu kịp thời.
PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết, trước đây, một năm chỉ gặp một vài trường hợp sốc phản vệ nhưng hiện tại, tình trạng dị ứng, sốc phản vệ xảy ra nhiều hơn, diễn biến nguy hiểm hơn... do bệnh nhân sử dụng nhiều thiết bị y tế, sử dụng nhiều thuốc, chị em làm đẹp, nhu cầu cũng can thiệp nhiều hơn. Cũng có thể bệnh nhân phản vệ do dị ứng thức ăn, có người chỉ ăn một hạt lạc cũng bị sốc phản vệ và tử vong.
|
Theo các chuyên gia, về nguyên tắc, tất cả thuốc gây mê đều có nguy cơ sốc phản vệ. |
Đối với sử dụng thuốc gây mê, PGS Bình cho biết, nhiều khi bệnh nhân dị ứng với thuốc gây mê sẽ gây phản vệ, thậm chí nhân viên y tế chưa kịp can thiệp gì bệnh nhân đã tử vong.
Thuốc mê là thuốc có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương để làm mất hoàn toàn tạm thời ý thức, phản xạ và mọi cảm giác của toàn thân, trong khi vẫn duy trì được các chức năng sống (tuần hoàn, hô hấp, chuyển hoá, bài tiết..). Tức là khi được gây mê, người bệnh sẽ bất động, ngủ say như chết, hoàn toàn không hay biết khi cuộc phẫu thuật có khi rất nghiêm trọng đang diễn ra.
Mỗi loại thuốc gây mê có liều tối đa riêng. Nếu dùng liều quá thấp sẽ không đủ mê người bệnh, nếu dùng liều quá cao sẽ gây độc bệnh nhân. Đặc biệt sử dụng thuốc gây mê chỉ an toàn khi được tiến hành bởi bác sĩ được đào tạo một cách bài bản chuyên khoa gây mê hồi sức.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên chính bộ môn Dược, ĐH Y dược TP.HCM cho biết, quá trình gây mê diễn biến qua các giai đoạn: Tiền mê, khởi mê, duy trì mê, thoát mê (hồi tỉnh) và giai đoạn sau mổ. Trong bất kỳ giai đoạn nào đều cũng có thể xảy ra các tai biến và biến chứng.
Người gây mê cần phải thăm khám, đánh giá, tiên lượng tình trạng bệnh nhân trước mổ để có kế hoạch gây mê hồi sức hợp lý, đồng thời cần phải theo dõi sát bệnh nhân trong và sau gây mê nhằm kịp thời phát hiện và xử trí các biến chứng có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức phân tích, hiện chưa có thuốc gây mê lý tưởng, nghĩa là có tác dụng tốt cho người bệnh và an toàn. Bên cạnh những lợi ích thuốc gây mê có thể gây tác dụng phụ. Hầu hết có thể gây suy hô hấp, giảm huyết áp, suy chức năng tuần hoàn não. Một số thuốc có thể gây suy gan, suy thận. Chính vì vậy, khi sử dụng thuốc gây mê thường phối hợp nhiều thuốc có tác dụng khác nhau để tạo ra trạng thái mê cân đối.
Ở giai đoạn tiền mê có thể có các biến chứng chủ yếu là do các tác dụng phụ của thuốc như suy hô hấp, buồn nôn và nôn, có thể gây tụt huyết áp nếu có giảm thể tích tuần hoàn. Các biến chứng trong thời kỳ khởi mê có thể gặp phải như do không đặt được nội khí quản gây dập môi, gãy răng, chảy máu vùng hầu họng. Hay co thắt phế quản, nôn, trào ngược… Đặc biệt, giai đoạn này có thể khiến người bệnh hạ huyết áp, truỵ tim mạch do tác dụng của các thuốc khởi mê gây giãn mạch.
Các thuốc gây mê có thể gây ức chế trực tiếp cơ tim làm giảm sự co bóp của cơ tim. Các trường hợp có giảm khối lượng tuần hoàn do mất máu, dịch từ trước mổ hoặc đang chảy máu một cách đột ngột và ồ ạt.
Ở giai đoạn duy trì mê có thể xảy ra các biến chứng như thiếu oxy máu, tràn khí màng phổi, co thắt phế quản… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sốc phản vệ khi gây mê.
Sau khi phân tích các tình huống có thể xảy ra trong quá trình gây mê, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức khẳng định: “Về nguyên tắc, tất cả thuốc gây mê đều có nguy cơ sốc phản vệ. Chỉ có điều tỷ lệ nhiều hay ít. Muốn xác định nguyên nhân dẫn đến sốc phản vệ khi gây mê cần tìm hiểu thuốc sử dụng gây mê, quy trình tiến hành gây mê, trình độ người thực hiện… Một số bệnh nhân mắc các bệnh lý đặc biệt như loạn dưỡng cơ, bỏng, tổn thương tủy sống, đái tháo đường; bệnh tim; bệnh thận; tăng huyết áp… là những nguy cơ cao gây phản ứng thuốc gây mê”.
Chuyên gia gây mê cần phải tiên lượng và phản ứng nhạy bén với những thay đổi do tình trạng phẫu thuật và những diễn biến xảy ra do đáp ứng thuốc men ở từng người bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa gây mê và các chuyên viên gây mê cần được huấn luyện thật tốt để có thể tiên lượng được một cách cặn kẽ nhất tình trạng của bệnh nhân.
Bên cạnh đó, những cơ sở y tế phải đủ điều kiện xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra khi tiến hành gây mê. Trong trường hợp người bệnh gặp sự cố cần có cấp cứu kịp thời, xử lý đúng cách. Khi tiến hành gây mê, bác sĩ gây mê cần đánh giá sức khoẻ của bệnh nhân, thảo luận với bệnh nhân về phương thức gây mê giảm đau cho từng trường hợp phẫu thuật cụ thể. Chịu trách nhiệm gây mê kiểm soát đau cho bệnh nhân, theo dõi chăm sóc bệnh nhân trong phẫu thuật và ngay sau phẫu thuật. Bác sĩ gây mê phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên khoa gây mê hồi sức hợp lệ.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức có lời khuyên, người bệnh khi tiến hành phẫu thuật cần tìm đến những cơ sở y tế có uy tín và được tư vấn cẩn thận trước khi gây mê. Đừng xem nhẹ quá trình gây mê cũng như lạm dụng gây mê.
Khi gây mê có thể gặp các tác dụng phụ và biến chứng thường gặp như: Buồn nôn hoặc nôn; Nhức đầu; Đau hoặc bầm ở vị trí tiêm chích; Khô hoặc lở môi hoặc họng; Nhìn mờ, nhìn đôi hoặc chóng mặt; Tiểu khó; Phản ứng dị ứng nhẹ, sẩn ngứa; Tổn thương thần kinh tạm thời.. Nguy cơ hiếm gặp có thể gây tử vong: Dị ứng nặng hoặc sốc; Sốt cao độ; Đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim; Sặc hít (viêm phổi); Liệt; Huyết khối trong phổi; Tổn thương não.
Trước đó, sáng 25/12, hai bệnh nhân đã tử vong sau khi gây mê phẫu thuật nghi do sốc phản vệ thuốc gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức. Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, bệnh nhân nữ chẩn đoán đa u 2 thùy tuyến giáp, có chỉ định phẫu thuật cắt u 2 thùy tuyến giáp. Vô cảm bằng gây mê nội khí quản. Khoảng 8h15 phút, bệnh nhân được tiêm Atropine 0.25mg, Midazolam 5mg, Solumedrol 40mg, (tiền mê). Sau đó 15 phút có sử dụng tiếp 100mg Diprivan và 30mg Esmeron. Sau 30 giây, bệnh nhân có dấu hiệu shock phản vệ và được tiến hành cấp cứu tại phòng mổ, sau đó được chuyển đến Khoa A9 – Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Bệnh nhân nam được chẩn đoán: Viêm Xoang mãn – Viêm Amidal lệch vách ngăn – Sùi vòm. Có chỉ định phẫu thuật: Nội soi xoang – Cắt Amidal – Chỉnh hình vách ngăn – Nạo sùi vòm. Vô cảm bằng gây mê nội khí quản. Khoảng 8h40 phút, bệnh nhân được tiêm Atropine 0.25mg, Midazolam 5mg, Solumedrol 40mg (tiền mê), sau 15 phút sử dụng tiếp 120mg Diprivan và 30mg Esmeron. Sau 30 giây có dấu hiệu Shock phản vệ, được tiến hành cấp cứu tại phòng mổ, sau đó được chuyển đến Khoa A9 – Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Sáng 26/12, bà Trần Thị Nhị Hà – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết hiện Sở này vẫn đang tiếp tục làm việc với cơ quan điều tra về vụ việc.
>>> Mời quý độc giả xem video về 7 thực phẩm càng ăn nhiều càng tốt (nguồn Youtube):
Theo T.Nguyên/Giadinh.net