Ngày 28/8, tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương TP Cần Thơ cho biết, Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận 11 nạn nhân bị bỏng nặng khi đi ăn đám cưới ở huyện Phong Điền (TP Cần Thơ). Nguyên nhân được xác định do cồn ở bếp lẩu trên bàn tiệc bốc cháy.
Được biết, sau khi sơ cứu giảm đau, nạn nhân Trần Văn Uôl (nam giới, 62 tuổi) bị bỏng nặng trên 50% kèm chấn thương vùng bụng nên bệnh viện đã được chuyển lên tuyến trên ở TP.HCM điều trị.
10 người còn lại, có 3 người bị bỏng nhẹ đã cho xuất viện, còn 7 người bị bỏng độ 2-3, từ 17% đến nặng nhất là 42% cơ thể, đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện.
|
Bệnh nhân bị bỏng, nằm điều trị tại bệnh viện. |
Theo lời kể của một số nạn nhân, vụ việc xảy ra khoảng 9 giờ sáng nay tại một đám cưới ở xã Trường Long (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ). Khi khách dự đám cưới đang ăn tiệc thì một bàn tiệc có bếp hết cồn. Nhân viên phục vụ đã lấy can cồn nước 10 lít đem tới bàn, rót ra chén để châm trực tiếp vào bếp.
Lúc này, lửa trong bếp đang cháy nên bùng lên. Lửa cồn cháy văng tứ tung, lan ra 3 bàn tiệc, khiến nhiều người bị bỏng hoảng loạn đã xé quần áo, chạy náo loạn. Các nạn nhân sau đó đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Theo các bác sĩ Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ tiếp của bệnh viện, các vết bỏng ở vùng mặt, ngực, lưng, tay chân do lửa cồn. Bệnh nhân bị bỏng cồn thường rất nặng và để lại di chứng nặng nề.
Khi sử dụng bếp cồn để nấu ăn hay ăn lẩu, nếu bạn không biết chọn loại cồn tốt thì chúng rất dễ biến thành một "ngọn đuốc sống" đốt cháy tất cả và khiến bạn bị bỏng. Loại bỏng cồn này được xếp vào dạng bỏng lửa và cần có cách xử lý, cấp cứu phù hợp. Nếu không biết cách chữa bỏng cồn, bạn không chỉ phải đối mặt với sự đau rát mà còn có thể hứng chịu nhiều hậu hoạ về sau.
Ngay khi bị bỏng cồn, bạn cần phải nhanh chóng tránh xa tác nhân gây bỏng. Đồng thời cần phải tháo bỏ ngay những đồ dùng, vật dụng cứng nằm trên vùng da bị bỏng trước khi vết bỏng trở nên sưng nề, chẳng hạn như vòng, nhẫn, giày dép, quần áo.
Cần giữ sạch vùng da bị bỏng, tránh bị nhiễm khuẩn sẽ gây ra nhiễm trùng nguy hiểm; Tuyệt đối không tự ý bôi dầu, mỡ hay bất cứ loại thuốc nào lên vùng da bị bỏng; Không làm vỡ các vết bỏng đã bị mọng nước; Không bóc lớp da bị bỏng hay ngay cả là quần áo đã bị dính vào vết bỏng. Nếu có sẵn đồ cấp cứu thì bạn có thể phủ gạc vô khuẩn hoặc vải sạch lên vết bỏng.
Tiến hành dập lửa bằng nước lã, sau đó xem xét tình trạng bỏng. Nếu bị bỏng nặng thì cần cấp cứu ngay lập tức, nếu tình trạng không quá khẩn cấp thì sơ cứu ngay tại chỗ rồi mới cần đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện, trung tâm y tế gần nơi ở nhất.
Theo An Nhiên/Khỏe & Đẹp