Axit oxalic (còn gọi là oxalat) là một hợp chất tự nhiên có trong thực vật, phổ biến là ở rau xanh và các loại đậu.
Oxalat có thể liên kết với canxi trong cơ thể và hình thành sỏi thận. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 75% bệnh nhân sỏi thận sẽ hình thành sỏi canxi, trong đó phần lớn là canxi oxalat. Trong khi đó, sỏi canxi photphat và sỏi axit uric chỉ chiếm dưới 10% tổng số loại sỏi.
Chế độ ăn nhiều axit oxalic có ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Tăng nguy cơ sỏi thận
Theo WEBMD, ước tính cứ 10 người sẽ có 1 người bị sỏi thận vì chế độ ăn uống kém khoa học. Ăn nhiều thực phẩm chứa axit oxalic là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận.
Khả năng hấp thụ khoáng chất thấp
Do axit oxalic liên kết với các khoáng chất như canxi nên nó sẽ ngăn cơ thể hấp thụ các dưỡng chất. Tuy nhiên, chúng không làm mất hoàn toàn khả năng hấp thụ dinh dưỡng mà chỉ hạn chế một phần.
Giảm tác dụng của thuốc kháng sinh
Một phần axit oxalic có thể bị phân hủy trong ruột. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thuốc kháng sinh, vi khuẩn tốt trong ruột sẽ bị giảm. Khi đó axit oxalic có thể tăng lên trong hệ tiêu hóa và tiết niệu, khiến hiệu của của thuốc kháng sinh suy giảm.
Một số loại rau củ quả có chứa hàm lượng axit oxalic cao:
Mướp đắng
Mướp đắng là thực phẩm quen thuộc, được nhiều người sử dụng vì nó có công dụng thanh nhiệt, giải độc. Tuy nhiên, 100 gram mướp đắng có chứa 450mg axit oxalic. Loại quả này có hàm lượng axit oxalic khá cao vì vậy những người có tiền sử bị sỏi thận nên hạn chế ăn.
Rau muống
Rau muốn cũng là loại rau thường xuyên xuất hiện trong bữa cơm gia đình. Nó chứa nhiều vitamin, kali, clo và các dưỡng chất khác. Tuy nhiên, cứ 100 gram rau muống có chứa khoảng 691 mg axit oxalic.
Rau dền
Rau dền là loại rau bổ máu nhờ chứa lượng sắt dồi dào. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều canxi, caroten, vitamin C. Tuy nhiên, cứ 100 gram rau dền lại chứa 1142mg axit oxalic. Do đó, những người mắc bệnh thận nên hạn chế sử dụng.
Rau bina
Rau bina (cải bó xôi) cũng có hàm lượng axit oxalic khá cao. 100 gram rau bina có thể chứa tới 1333 mg axit oxalic. Vì vậy, bạn không nên ăn quá nhiều rau bina. Với các loại rau nhiều axit oxalic như rau bina, rau dền... bạn nên chần chúng qua nước trước khi ăn.
Sản phẩm từ đậu nành
Đậu nành cung cấp nhiều protein và các dưỡng chất tuyệt vời khác. Tuy nhiên, nó cũng chứa nhiều axit oxalic. Một khẩu phần dậu phụ 85 gram có thể cung cấp 235mg axit oxalic; một cốc sữa đậu nành có thể chứa tới 336mg axit oxalic.
Củ cải đường
Củ cải đường chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe như folate, mangan. Tuy nhiên, loại rau củ này cũng được xếp vào nhóm những loại thực vật có chứa hàm lượng axit oxalic cao, 64 gram củ cải đường có thể cung cấp 152mg axit oxalic.
Hạnh nhân
Hạnh chân chứa nhiều vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên 28gram hạnh nhân có chứa tới 122mg axit oxalic.
Khoai tây
Một củ khoai tây nướng cỡ vừa có thể cung cấp 97mg axit oxalic. Chất này chủ yếu tập trung ở phần vỏ của củ khoai.
Lưu ý khi chế biến các thực phẩm giàu axit oxalic
Hầu hết các thực phẩm có nguồn gốc thực vật đều chứa một lượng axit oxalic nhất định. Tuy nhiên, chúng cũng chứa nhiều vitamin, khoáng chất thiết yếu khác. Vì vậy, chúng ta không nên loại bỏ hoàn toàn những thực phẩm nêu trên ra khỏi chế độ ăn uống của mình. Để giảm lượng axit oxalic trong thực phẩm, bạn nên lưu ý một số điểm như sau:
- Cơ thể chúng ta có khả năng đào thải axit oxalic ra ngoài. Mỗi người có thể nhận 200-300mg axit oxalic mỗi ngày. Uống nhiều nước chính là một cách giúp cơ thể đào thải chất này ra ngoài dễ dàng hơn.
- Ăn ít muối giúp giữ lượng canxi trong nước tiểu ít hơn. Canxi trong nước tiểu càng thấp thì càng giảm nguy cơ mắc sỏi thận.
- Không tiêu thụ quá nhiều vitamin C. Thừa vitamin C có thể làm tăng sản xuất axit oxalic trong cơ thể.
- Axit oxalic có thể hòa tan trong nước. Vì vậy, chần rau củ qua nước sôi trước khi chế biến có thể giúp loại bỏ dược 40-70% lượng axit oxalic vốn có. Khi chọn các loại trái cây có chứa axit oxalic, bạn nên lựa những quả đã chín.
- Người có tiền sử bị sỏi thận nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm giàu axit oxalic.
Theo Thanh Huyền/Khoẻ và Đẹp