Đường là một dạng carbohydrate, xuất hiện nhiều trong thực phẩm tự nhiên. Cơ thể chủ yếu sử dụng đường carbohydrate làm nguồn năng lượng để não, hệ thần kinh trung ương và các tế bào hồng cầu hoạt động bình thường. Có hai loại đường là đường bổ sung và đường tự nhiên.
Trong đó những loại bánh kẹo, nước ngọt chế biến sẵn phổ biến trong ngày Tết có chứa lượng đường bổ sung cao, phổ biến nhất là đường thường (sucrose) và siro ngô fructose. Loại đường này thường có hại đối với sức khoẻ và không có giá trị dinh dưỡng như đường tự nhiên.
Vì vậy, khi dung nạp nhiều thực phẩm, đồ uống có hàm lượng đường này cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật.
1. 7 nguy hại sức khỏe khi ăn nhiều bánh kẹo, nước ngọt có lượng đường bổ sung cao
1.1. Gây tăng cân, béo phì
Đồ uống có đường như soda, nước trái cây và trà ngọt chứa nhiều đường fructose. Khi tiêu thụ những thực phẩm có loại đường này sẽ làm tăng cảm giác đói, thèm ăn, gây ra tình trạng kháng leptin - một loại hormone quan trọng điều chỉnh cơn đói và báo cho cơ thể bạn ngừng ăn. Điều này khiến bạn phải ăn thường xuyên hơn.
Ngoài ra, thực phẩm và đồ uống ngọt có nhiều đường có lượng calo lớn nên khi ăn uống quá nhiều loại thực phẩm này sẽ gây dư thừa lượng calo (vượt quá 2.000 calo/ngày). Điều này sẽ khiến bạn dễ bị tăng cân.
1.2. Sâu răng
Sau khi ăn đường, vi khuẩn trong miệng hình thành một lớp mảng bám mỏng trên răng. Những vi khuẩn này phản ứng với đường có trong thực phẩm, đồ uống và kích hoạt giải phóng một loại axit làm hỏng răng.
1.3. Làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Chế độ ăn nhiều đường có thể dẫn đến béo phì và viêm nhiễm cũng như nồng độ chất béo trung tính, lượng đường trong máu và huyết áp cao - tất cả đều là những yếu tố nguy cơ gây bệnh tim.
Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung, đặc biệt là từ đồ uống có đường, có liên quan đến chứng xơ vữa động mạch, một căn bệnh đặc trưng bởi chất béo tích tụ làm tắc nghẽn động mạch.
Lượng đường tăng không chỉ làm tăng nguy cơ tim mạch mà còn có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Vì vậy, quản lý lượng đường nạp vào cơ thể rất quan trọng, nhất là những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.
1.4. Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2
Tiêu thụ quá nhiều đường từ trước đến nay có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Ăn một lượng lớn đường có thể gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường bằng cách góp phần tăng cân và tăng mỡ trong cơ thể - cả hai đều là nguy cơ phát triển gây ra bệnh tiểu đường.
Hơn nữa, việc tiêu thụ nhiều đường trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng kháng insulin, một loại hormone do tuyến tụy sản xuất để điều chỉnh lượng đường trong máu. Kháng insulin khiến lượng đường trong máu tăng lên và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
1.5. Làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ
Một lượng lớn đường fructose có liên quan đến việc tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ. Fructose là một loại đường phổ biến được sử dụng để làm ngọt như soda, kẹo, bánh nướng, ngũ cốc, …
Không giống như glucose và các loại đường khác được hấp thụ bởi nhiều tế bào trên khắp cơ thể, fructose hầu như chỉ được phân hủy bởi gan.
Trong gan, fructose được chuyển hóa thành năng lượng hoặc dự trữ dưới dạng glycogen. Tuy nhiên, gan chỉ có thể lưu trữ glycogen với hàm lượng cao trước khi lượng dư thừa được chuyển thành chất béo.
Một lượng lớn đường bổ sung ở dạng fructose làm quá tải gan của bạn, dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), một tình trạng đặc trưng bởi sự tích tụ quá nhiều chất béo trong gan.
1.6. Thiếu chế độ dinh dưỡng
Thực phẩm và đồ uống nhiều đường làm tăng đáng kể hàm lượng calo của chúng mà không bổ sung bất kỳ lợi ích dinh dưỡng nào. Cơ thể thường tiêu hóa những thức ăn và đồ uống này một cách nhanh chóng. Điều này có nghĩa là chúng không phải là một nguồn năng lượng tốt.
Các sản phẩm có chứa đường tự nhiên thì khác. Ví dụ, trái cây và các sản phẩm từ sữa có chứa đường tự nhiên. Cơ thể tiêu hóa những thực phẩm này với tốc độ chậm hơn, khiến chúng trở thành nguồn năng lượng lâu dài. Ngoài ra, những thực phẩm này có chứa thêm các chất dinh dưỡng khác như vitamin và khoáng chất nên chúng có giá trị dinh dưỡng cho cơ thể.
Hơn nữa, tiêu thụ lượng calo rỗng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống khác có giá trị dinh dưỡng, gây ra mất cân bằng dinh dưỡng trong chế độ ăn uống.
1.7. Tăng nguy cơ phát triển bệnh gout
Những món ăn ngày Tết thường chứa nhiều purin có thể khiến axit uric tích tụ và gây ra cơn gout cấp, chẳng hạn như thịt đỏ, rượu bia… Hơn nữa, những thực phẩm có hàm lượng đường sẽ khiến nồng độ axit uric trong máu tăng, làm tăng nguy cơ phát triển hoặc làm trầm trọng thêm bệnh gout.
Ngoài những nguy hại trên, việc ăn quá nhiều thực phẩm, đồ uống có lượng đường bổ sung còn gây ra một số vấn đề sức khoẻ khác như tăng nguy cơ trầm cảm, ung thư, tăng lão hoá tế bào, đẩy nhanh quá trình suy giảm nhận thức...
2. Làm thế nào để cân bằng lượng đường trong chế độ ăn ngày Tết
Là những món ăn, đồ uống không thể thiếu trong các dịp tết nên việc tránh ăn những thực phẩm, đồ uống có lượng đường bổ sung cao là rất khó. Vì vậy, để đảm bảo sức khoẻ và cân bằng chế độ dinh dưỡng, hạn chế lượng đường dung nạp vào cơ thể, mọi người nên lưu ý một số vấn đề:
- Ăn các loại bánh kẹo, nước ngọt với lượng vừa phải. Đối với chế độ ăn uống trong nhà, các bạn nên lựa chọn những thực phẩm tự nhiên như hoa quả (cam, quýt, bưởi…), các loại hạt, có thể tự làm mứt tết và sử dụng các loại đường tự nhiên...
- Bổ sung cân bằng các nhóm thức ăn, mọi người nên ăn thêm cả rau, trứng, sữa, và một số loại thịt…
Ngoài những lưu ý về lượng đường cần dung nạp, mọi người nên hạn chế rượu bia, các thực phẩm nhiều muối, uống nhiều nước lọc để đảm bảo sức khoẻ và có một mùa lễ Tết khỏe mạnh.
Theo Phụ nữ Việt Nam