Những loại rau gây sảy thai ở bà bầu
Mướp đắng
Bình thường mướp đắng có thể xem là một vị thuốc và là bài thuốc bổ cho mọi người. Với mẹ bầu, trong mướp đắng có hàm lượng folate khá cao, hỗ trợ rất tốt cho quá trình phòng tránh dị tật thần kinh thai nhi. Ngoài ra nó còn rất giàu vitamin C giúp bà bầu tăng cường sức đề kháng cho mình trong suốt thai kỳ. Thêm vào đó, lượng vitamin B, chất sắt, kẽm, kali, mangan, magiê… trong mướp đắng cũng giữ một vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe mẹ và thai nhi. Thế nhưng, nếu ăn liên tục mướp đắng trong nhiều ngày nó có thể kích thích tăng các cơn co bóp tử cung gây ra sẩy thai, sinh non. Đối với những mẹ bầu vốn có tiền sử sẩy thai liên tiếp hoặc tử cung bất thường như tử cung nghiêng, tử cung có sẹo… thì nguy cơ này ngày càng cao.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu trên bào thai chuột trong phòng thí nghiệm còn cho thấy chiết xuất trong quả mướp đắng ở liều cao còn có thể gây ra dị dạng bào thai. Do vậy, dù chưa có nghiên cứu chính thức trên người thì các mẹ cũng phải cẩn trọng với loại quả này nhé!
|
Ảnh minh họa. |
Rau sam
Rau sam mọc dại, rất dễ mọc dại mà không cần chăm sóc. Thường mọi người ăn rau sam vì nó có thể chữa một số bệnh và đây cũng là loại rau rất ngon miệng. Tuy nhiên, rau sam lại là loại rau có tính hàn, lạnh dễ gây ra những cơn co thắt tử cung dữ dội và kết quả là tống thai nhi ra ngoài tử cung mẹ, gây sẩy thai.
Rau ngót
Rau ngót là một loại rau rất quen thuộc trong mỗi bữa cơm và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên ăn nhiều rau ngót vì trong loại rau này có chứa hoạt chất papaverin, chất có thể gây ra hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung và dẫn đến sảy thai. Đặc biệt, những bà mẹ có tiền sử sảy thai, sinh non lại càng nên hạn chế ăn rau ngót.
Ngải cứu
Ngải cứu có tác dụng giảm đau cơ bắp, giúp lưu thông máu, giảm đau bụng và thường được bác sĩ sử dụng để an thai cho người bị động thai hoặc sảy thai liên tiếp. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho biết nếu phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu ăn quá nhiều ngải cứu có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, co thắt tử cung. Hậu quả có thể dẫn đến sảy thai hoặc sinh non.
Rau chùm ngây
Rau chùm ngây được xem như “thần dược” bởi loại rau này có giá trị dinh dưỡng rất cao với hơn 90 dưỡng chất. Các nghiên cứu chỉ ra rằng lá và hoa của rau chùm ngây có chứa gấp 7 lần lượng vitamin C của một quả cam, gấp 4 lần lượng canxi và 2 lần lượng protein trong sữa, gấp 4 lần lượng vitamin A trong cà rốt, hơn rau diếp cá 3 lần chất sắt và gấp 3 lần lượng kali trong chuối.
Không chỉ vậy, chùm ngây còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, chất kháng sinh, chất chống viêm nhiễm..., có khả năng ngăn ngừa khối u, đào thải độc tố, giúp ổn định huyết áp, bảo vệ gan và chống lại căn bệnh tiểu đường.
Tuy loại rau này rất tốt cho sức khỏe nhưng nó lại được liệt vào danh sách đen "Những loại rau bà bầu không nên ăn”. Nguyên nhân là do trong rau chùm ngây có chứa alpha-sitosterol (một loại hormone có cấu trúc giống estrogen có tác dụng ngừa thai), chất này có thể làm co cơ trơn tử cung và dẫn đến sảy thai. Cho nên, để đảm bảo an toàn cho thai nhi, bà bầu không nên ăn loại rau này, đặc biệt là trong những tháng đầu tiên.
Rau răm
Ăn quá nhiều rau răm có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu, trong khi đó phụ nữ mang thai lại là đối tượng rất dễ bị thiếu máu. Vì vậy, bà bầu nên hạn chế ăn rau răm, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Ngoài ra, bà bầu ăn nhiều loại rau này còn có thể khiến tử cung bị co thắt, dẫn đến sảy thai.
Đu đủ xanh
Trong đu đủ xanh có chứa rất nhiều chất gây nguy hiểm cho thai nhi như papain, prostaglandin và oxytocin. Trong đó, chất papain có thể khiến tế bào phôi thai bị phá hủy, còn prostaglandin và oxytocin lại kích thích co bóp tử cung sớm đẩy thai nhi ra ngoài, điều này sẽ gây sảy thai nếu như thai nhi chưa đủ tháng.
Củ dền
Mặc dù giàu vitamin K và sắt nhưng củ dền lại không tốt cho phụ nữ mang thai như nhiều người vẫn tưởng. Củ dền là nhóm thực phẩm gây nhiệt và có thể gây chảy máu cho mẹ giai đoạn đầu mang thai.
Theo Hải Hà/Khỏe & Đẹp