Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) thường xuyên cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực cấp cứu để kịp thời cứu sống người bệnh.
50 phút sốc điện khôi phục nhịp tim
Là bệnh viện đa khoa hạng I, tuyến chuyên môn cao nhất của tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận hàng trăm ca bệnh được đưa đến cấp cứu, khám chữa mỗi ngày.
Cuối tháng 6/2024, anh Dương Văn T (33 tuổi, tạm trú ở TP Hạ Long) đang ngồi uống nước thì đột ngột mất ý thức, ngưng tim, ngưng thở, tím tái toàn thân.
Anh T được đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy, các bác sĩ Đơn nguyên Cấp cứu đã khẩn trương thực hiện các quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, sốc điện, hỗ trợ hô hấp (khai thông đường thở, bóp bóng oxy) và cho dùng thuốc.
Đang ngồi uống nước đột ngột mất ý thức, ngưng tim, ngưng thở...được cứu sống - Ảnh BVCC
BSCKI Nguyễn Ngọc Tuyền, Trưởng Đơn nguyên Cấp cứu (Bệnh viện Bãi Cháy) cho biết: Khi bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện đã xuất hiện ngừng tuần hoàn nhiều lần. Các bác sĩ, điều dưỡng thay phiên nhau ép tim liên tục cho người bệnh.
Đồng thời, sử dụng sốc điện 5 lần để khôi phục lại nhịp tim. Sau 50 phút căng thẳng, nam bệnh nhân đã được tái lập tuần hoàn, tim đập và thở trở lại.
Đánh giá đây là tình trạng tối khẩn cấp, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy nhanh chóng hội chẩn với bác sĩ hồi sức Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chỉ định chuyển viện thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não, giảm di chứng thần kinh sau thời gian ngừng tim kéo dài.
Được biết, các bác sĩ Đơn nguyên Cấp cứu (Bệnh viện Bãi Cháy) đã cứu sống nhiều ca ngưng tim, ngưng thở trước đó. Các y, bác sĩ ở đây làm việc liên tục 24/24h trong ngày nhằm giành giật lại sự sống cho người bệnh.
Đặc biệt, vì là cấp cứu đa khoa nên tất cả các y, bác sĩ luôn nâng cao kiến thức ở các lĩnh vực: Nội, ngoại, sản, nhi, và các chuyên khoa như mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, sơ sinh…
Ông Vũ Đức Nghìn hồi phục sức khỏe nhờ các bác sĩ cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Ông Vũ Đức Nghìn (64 tuổi, TX Quảng Yên) được gia đình đưa vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng đau đầu nhiều, không rõ đau ngực. Sau khoảng 30 phút khi đang được theo dõi tại Khoa Cấp cứu, người bệnh đột ngột ngừng tuần hoàn, mất ý thức.
Ngay lập tức kíp trực đã cấp cứu ngừng tuần hoàn cho người bệnh (sử dụng sốc điện, thuốc vận mạch, ép tim, đặt nội khí quản…). Sau khoảng 50 phút cấp cứu, người bệnh đã có nhịp tim trở lại.
Căn cứ vào các kết quả xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim cấp. Sau đó, bác sĩ chỉ định can thiệp tim mạch cấp cứu; đặt stent mạch vành cho người bệnh. Sau can thiệp, tình trạng nhồi máu cơ tim được kiểm soát, tuy nhiên do người bệnh ngừng tuần hoàn khá lâu nên bị suy đa tạng.
Người bệnh đã được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện, với thở máy, an thần, lọc máu liên tục, hồi sức tạng. Với sự chăm sóc và điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh đã ổn định, chức năng các tạng đã hồi phục và được xuất viện.
Nhiều bệnh lý gây ngừng tuần hoàn
Theo các bác sĩ, ngừng tuần hoàn đột ngột thường liên quan đến bệnh lý tim mạch, phổi, thần kinh, tai nạn, ngộ độc... Do đó, người dân cần phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ, khống chế tốt các bệnh nền, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện một số bất thường tiềm ẩn.
Nhất là khi cơ thể chúng ta đột ngột có các biểu hiện đau ngực, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh hoặc không đều, khò khè không giải thích được, khó thở, có cơn ngất, chóng mặt thì cần đi khám sớm.
Cấp cứu ngừng tuần hoàn là một cấp cứu rất khó khăn. Vai trò của kíp cấp cứu là rất quan trọng, do đó phải thành thạo quy trình, phối hợp tốt, khẩn trương. Để nâng cao hiệu quả trong công tác cấp cứu, việc đào tạo, đặc biệt là đào tạo về cấp cứu ngừng tuần hoàn được tiến hành thường xuyên cho nhân viên y tế tại các tuyến trong tỉnh.
Những năm qua, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh được đầu tư, trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, cùng với đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế được thu hút, đào tạo chuyên môn thường xuyên, luôn sẵn sàng trong những tình huống cấp cứu nguy hiểm.
Cho đến nay, toàn ngành đã triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong cấp cứu, hồi sức nói riêng và khám chữa bệnh nói chung, góp phần giúp người dân trên địa bàn tỉnh được chăm sóc sức khỏe một cách kịp thời ngay tại địa phương, giảm chi phí và giảm tỷ lệ chuyển tuyến.
Thúy Nga