Thích quan sát những điều nhỏ nhặt
Khi còn bé, nhà sinh vật học người Anh Charles Darwin cũng có sở thích nhìn chằm chằm xuống đất và quan sát các sinh vật di chuyển. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, trẻ 1-10 tuổi luôn tò mò về thế giới xung quanh.
Cha mẹ nên nuôi dưỡng tính tò mò cho trẻ khi còn nhỏ, bằng cách cho trẻ đi dạo, khám phá và tiếp xúc với thiên nhiên, môi trường xung quanh. Phương pháp này giúp trẻ thông minh hứng thú với thế giới và khơi dậy tiềm năng của mỗi người.
Mút tay
Trẻ dưới 2 tuổi thường có thói quen mút tay. Tuy nhiên nhiều phụ huynh lo lắng trẻ sẽ nuốt phải vi khuẩn, virus trên tay nên thường cấm con.
Thực tế, việc trẻ ở độ tuổi này thích mút tay không phải là điều xấu mà là điều tốt. Não bộ của trẻ ở độ tuổi này cần được kích thích nhiều hơn. Trẻ đưa tay vào miệng chính xác cũng là dấu hiệu cho thấy sự phát triển nâng cao của hệ giác quan và hệ vận động, đồng thời là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển. Ngoài ra, việc mút tay cũng là một cách tự an ủi về mặt cảm xúc, có lợi cho sự phát triển nhận thức về bản thân. Tuy nhiên, trên 3 tuổi mà trẻ vẫn mút tay thì bố mẹ cần chỉnh sửa lại.
Không thích đi giày dép
Nhiều trẻ dưới 3 tuổi là "tín đồ" trung thành của việc đi chân trần dù mùa đông hay mùa hè. Nhiều cha mẹ sẽ lo lắng con sẽ bị cảm lạnh, cố đi tất đi giày cho con nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại, lại thấy trẻ chạy chân trần.
Bàn chân là cơ quan vận động, quy tụ 6 kinh mạch, 66 huyệt đạo, là nơi tập trung của rất nhiều dây thần kinh. Do đó, trẻ đi chân trần trên mặt đất, hay giẫm lên sỏi, đá có thể có tác dụng giúp xoa bóp, kích thích thần kinh. Ngoài ra, những thay đổi về nhiệt độ, hình dáng bề mặt tiếp xúc... có thể mang lại những cảm nhận khác nhau cho trẻ, giúp kích thích não bộ phát triển toàn diện.
Không những vậy, gan bàn chân tập trung tuyến mồ hôi dày đặc, đây là hệ thống điều tiết thân nhiệt của trẻ, tuy nhiên chúng chưa hoàn thiện. Vì thế, việc cho bé đi chân trần cũng giúp tản nhiệt dưới lòng bàn chân, tăng lưu thông máu, giảm hiện tượng lạnh tay chân. Khi tuần hoàn máu của cơ thể được tăng cường, quá trình trao đổi chất và khả năng miễn dịch của bé cũng được cải thiện theo.
Xé giấy
Không cha mẹ nào thích con xé giấy vụn ra nhà, tuy nhiên đây là hành động giúp trẻ cử động tốt đôi tay. Bố mẹ có thể quan sát, ở trẻ dưới 3 tuổi, bé thường tỏ thái độ ngạc nhiên khi thấy tay cử động theo hướng khác nhau thì tờ giấy cũng bị xé thành những hình thù khác nhau.
Các nhà tâm lý học tin rằng bàn tay là bộ não thứ hai của trẻ, tức là trẻ vận động đôi tay cũng đồng nghĩa với tư duy. Ngăn con hoạt động cũng đồng nghĩa với việc ngăn con suy nghĩ.
Để trẻ có thể xé giấy an toàn, bố mẹ có thể cung cấp cho con những loại giấy sạch sẽ, không vướng mực, chì (như giấy báo, giấy in) để xé các hình thù khác nhau, giúp phát triển tư duy sáng tạo.
Nói chuyện với chính mình
Đại học Pennsylvania (Mỹ) từng có một nghiên cứu chỉ ra rằng ngôn ngữ là hệ thống giao tiếp, đồng thời cũng là phương tiện giúp nâng cao nhận thức và tư duy, dù trẻ hay già. Bởi vậy khi trẻ đang giao tiếp với chính suy nghĩ của chúng, điều này cho thấy khả năng diễn đạt của trẻ khá cao và có tư duy não bộ linh hoạt.
Cũng theo nghiên cứu trên, việc nói chuyện một mình sẽ giúp trẻ làm sáng tỏ những suy nghĩ của bản thân và định hướng điều nào là quan trọng, giúp trẻ quyết định được vấn đề hiệu quả hơn. Từ hành động này, trẻ sẽ biết được những gì cần thiết cho chính mình.
Tự giao tiếp với bản thân không có nghĩa là trẻ có vấn đề về thần kinh, mà đây là giải pháp để trẻ có thể phát triển khả năng tư duy, nhận thức, đồng thời còn có thể giúp trẻ tìm ra nhiều ý tưởng mới mẻ khác.
Theo Mộc/Khoevadep