Bánh Trung thu là món ngon không thể thiếu trong ngày Rằm tháng Tám. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý những điều này khi ăn để tránh gây hại cho sức khỏe.
Không ăn khi đói
Việc ăn đồ ngọt khi đang đói sẽ khiến bạn lãng phí một lượng lớn vitamin B để giúp chuyển hóa đường thành năng lượng hữu ích.
Ăn bánh Trung thu lúc bụng đói có thể khiến bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải, dễ tăng cân nhanh vì đường sẽ chuyển hóa ngay thành chất béo.
Không ăn ngay sau bữa chính
Cơ thể đã nạp đủ năng lượng cần thiết sau bữa ăn chính, lượng đường và tinh bột đã đủ. Việc ăn bánh Trung thu ngay dễ khiến lượng đường trong máu tăng cao, năng lương dư thừa chuyển thành chất béo dự trữ không tốt cho huyết áp.
Sau bữa cơm chính, bạn nên chờ khoảng 3 tiếng rồi mới ăn thêm bánh Trung thu và ăn kèm hoa quả.
Không ăn bánh quá hạn
Bánh Trung thu được làm từ nhiều nguyên liệu với phần nhân đa dạng gồm mứt, đường, trứng, đậu xanh… Đây đều là những thành phần có thời gian bảo quản ngắn, rất dễ bị biến đổi.
Vì thế, bạn cần chú ý khi mua bánh Trung thu, nên chọn bánh mới, xem kỹ ngày sản xuất và hạn sử dụng. Việc ăn bánh Trung thu bị quá hạn hay bị hỏng rất dễ gây nên các vấn đề về tiêu hóa, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Không ăn cùng trà đặc, cà phê, nước có ga
Bánh Trung thu thường rất ngọt. Trong khi đó, nước có ga, trà đặc và cà phê cũng ngọt hoặc chứa lượng lớn caffeine. Nhiều caffeine hoặc chất kích thích luôn được coi là “kẻ thù” của huyết áp cao.
Bạn tốt nhất nên kết hợp bánh Trung thu với các loại nước ép trái cây tươi.
Không ăn quá nhiều
Một chiếc bánh Trung thu 120g cung cấp khoảng 700-900 calo trong khi một người trưởng thành cần khoảng 2000 calo/ngày. Ăn quá nhiều bánh Trung thu sẽ dẫn đến tình trạng tăng cân, không tốt cho huyết áp và sức khỏe của bạn.
Người ít vận động chỉ nên ăn khoảng 1/4 chiếc bánh Trung thu mỗi ngày, người vận động nhẹ có thể ăn 1/2 bánh, còn người vận đồng nhiều có thể ăn 1 chiếc bánh.
Theo MSM/VietNamnet