Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những năm gần đây người Việt có thói quen ăn nhiều thịt nhưng lại quá ít rau xanh, củ quả... Theo cuộc điều tra năm 2015 ghi nhận, có đến 57% người Việt trưởng thành ăn ít rau và trái cây. Đặc biệt, nam giới lại càng lười ăn rau xanh hơn nữ giới, với 61,3% nam giới và 51,4% nữ giới chưa ăn đủ lượng rau xanh so với khuyến cáo.
Theo ghi nhận của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi người Việt chỉ ăn khoảng 200g rau xanh một ngày, giảm so với vài chục năm trước và chỉ đạt một nửa so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) (khoảng 400g mỗi ngày).
Nhiều người có sở thích ăn nhiều thịt, lười ăn rau. Ảnh minh họa
Theo chia sẻ của PGS Trương Tuyết Mai (Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia), trung bình một người Việt tiêu thụ 134g thịt mỗi ngày, ở thành phố là 154g, trong khi mức tiêu thụ theo khuyến nghị là 50-80g. Theo bà Mai, đây là thực trạng thừa dinh dưỡng đáng quan ngại.
Việc ăn quá nhiều thịt hay các sản phẩm từ thịt chứa đầy chất dinh dưỡng, song lại nhiều chất béo bão hòa làm khó tiêu hóa. Ăn quá nhiều thịt có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng từ việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, thậm chí là ung thư.
Dưới đây là các dấu hiệu cho thấy bạn đang nạp quá nhiều thịt, cần sớm điều chỉnh lại chế độ ăn của mình:
Ảnh minh họa
Hay cảm thấy buồn ngủ
Thịt là loại thực phẩm giàu protein, có khả năng cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể. Nhưng vấn đề là protein được cơ thể hấp thụ chậm. Do đó, protein không thể cung cấp năng lượng nhanh, tức thời cho cơ thể như các thực phẩm có nhiều tinh bột. Vì thế, bộ não có thể kém tập trung và tạo cảm giác buồn ngủ.
Hay bị táo bón
Ăn quá nhiều thịt và ít ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ sẽ dễ gây táo bón. Táo bón chính là lời báo động của cơ thể để chúng ta hay đổi chế độ dinh dưỡng phù hợp hơn.
Cách tốt để bổ sung chất xơ là không những ưu tiên ăn rau củ, trái cây mà còn là ngũ cốc nguyên hạt, các chuyên gia khuyến cáo.
Da và tóc xuống sắc
Nếu bạn ăn quá nhiều thịt thì có thể sẽ ăn ít lại các loại thực phẩm khác. Vitamin C hiếm khi tìm thấy trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật. Vì vậy, ăn quá nhiều thịt có thể làm tăng nguy cơ thiếu vitamin C.
Vitamin C lại đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành collagen, loại protein giúp hình thành da, tóc, móng, xương… Nếu thiếu vitamin C thì da có thể trở nên thô ráp và tóc kém sức sống.
Tăng cân
Cơ thể cần protein để tái tạo cơ bắp nhưng thịt còn chứa nhiều calo, chất béo bão hòa, dẫn tới tăng cân và béo bụng. Người tăng cân dễ mắc bệnh xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đau xương khớp.
Tăng nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo
Các loại thịt đã qua chế biến như giăm bông, thịt xông khói, xúc xích và hotdog đều được xử lý bằng chất bảo quản hóa học gọi là nitrat - chất gây ra nguy cơ cao mắc bệnh ung thư ruột kết, thận và dạ dày.
Theo Gia đình & Xã hội