Nhiều đứa trẻ vẫn nhầm lẫn rằng tiền được ‘chia không’ cho mọi người, và có tới 60% những sinh viên đại học Mỹ - Latin phải vật lộn với vấn đề tài chính – theo đúng nghĩa đen của từ ‘vật lộn’.
Vậy hãy giúp bọn trẻ trải nghiệm 5 bài học đời thường bằng việc dạy con tiêu tiền theo cách sau đây càng sớm càng tốt:
1. Thử thách ‘tìm việc’
Hỏi một em bé 5 tuổi câu hỏi: ‘Tiền từ đâu mà có’, bạn chắc sẽ nhận được những câu trả lời kiểu như: ‘Từ nhà băng’, ‘Từ bố và mẹ’, ‘Từ Tổng thống’ hoặc ‘Từ người giầu’.
Các bé có lẽ không hiểu được đầy đủ rằng gia đình mình nỗ lực làm việc để có tiền cho các khoản chi tiêu.
Hãy giúp con học được những kiến thức cơ bản như: lao động kiếm tiền, các nghề nghiệp và mọi người được trả lương như thế nào cho việc thực hiện các công việc đó.
Sau đó, có thể làm bài học ‘trực quan sinh động’ hơn bằng cách cho con có một trải nghiệm ‘đi tìm việc’.
Bạn có thể ‘thuê’ con đi làm một số việc nhà (ngoài các việc con vẫn làm trước đó). Hoặc con có thể bán đồ chơi cũ, chocolate nóng trong khu dân cư, cho con thử thu nhặt can nhựa cũ bán để có thêm tiền tiêu vặt.
|
'Thuê' bé làm việc nhà ngoài các việc bé vẫn có trách nhiệm phải làm để giúp con hiểu tiền không tự nhiên mà có. |
2. Siêu khách hàng
Chuyển phòng ngủ hoặc phòng chơi của con bạn thành một cửa hàng. Bạn hãy dán giá của các đồ gia dụng, ‘giả vờ’ như đó là một siêu thị hoặc một cửa hàng đồ chơi, cửa hàng bán quần áo.
Hãy đưa cho con một ít tiền để con thực hành việc mua bán với khoản tiền đó.
Nếu muốn con bạn hoàn thiện hơn về kỹ năng toán học, hãy cho con thử đóng vai người ‘thu ngân’ còn bạn đóng vai người mua hàng.
Khi con trở nên khôn ngoan hơn trong chi dùng, hãy đưa cho con tiền thật và một danh sách ngắn những gì cần mua. Cho con thực hành kỹ năng mua sắm trong thế giới thực sẽ giúp con tự tin hơn về những gì đã học được.
3. Trò chơi ngân hàng
Việc đưa tiền tiêu vặt cho trẻ là bắt buộc. ‘Nếu con bạn không bao giờ tiếp cận với tiền, bé sẽ không bao giờ học được cách sử dụng đúng’ - Lori Mackey, người sáng lập website ‘Thịnh vượng cho bé’, khuyên các bậc cha mẹ.
Đầu tiên, cha mẹ hãy quyết định khoản tiền tiêu vặt phù hợp với trẻ, nên tính theo tuần.
Sau đó, làm cho việc sử dụng khoản tiền này giống hệt như bạn gửi tiền – rút tiền ở ngân hàng.
Đến hạn con có thể ‘rút tiền’, thông báo cho con. Nói rằng con có thể ‘check’ tài khoản của mình ở nhà băng là bố mẹ.
Hỏi xem liệu con muốn rút hết tiền ngay lập tức hay giữ lại một ít trong tài khoản để lấy sau. Mackey mách các bậc cha mẹ mẹo nhỏ: ‘Hãy nói với con lý do vì sao con nên tiết kiệm một chút tiền trong tài khoản thay vì rút hết.
Ví dụ, nếu con đang muốn mua bút mầu, bạn có thể nói: Con tiết kiệm trong 3 tuần, con sẽ nhiều hơn cả số tiền con cần để mua hộp bút mà con muốn’.
4. Tiết kiệm như một trò chơi
Tư duy của trẻ rất đơn giản, vì vậy hãy miêu tả các vấn đề liên quan đến tiền càng đơn giản càng tốt.
Ví dụ, hãy nói với con rằng, với mỗi ngàn đồng mà con tiết kiệm, bạn sẽ thêm vào đó 500 đồng cho con.
Con sẽ không lãng phí một đồng tiền nào, điều này giúp con phát triển thói quen tiết kiệm thông minh trong tương lai.
Trẻ con thường có tầm nhìn rất ngắn hạn, vì vậy cha mẹ phải khuyến khích để con có thể giữ thói quen tiết kiệm lâu dài.
Ví dụ: một con lợn màu mè, thậm chí là bảng biểu to, nhiều mầu sắc để minh họa, một cái lọ trong suốt để con xem tiền của con tăng lên rõ rệt như thế nào… sẽ giúp việc tiết kiệm hấp dẫn với trẻ.
|
Dạy con tiêu tiền cần kết hợp với các trò chơi để con cảm thấy hứng thú. |
5. Kiểm tra thực tế hiểu biết của bé
Con gái bạn cố gắng thuyết phục mẹ rằng con rất cần một cái kính vạn hoa. Giống như khi con cần một cái xe đạp mới, một ô tô điều khiển từ xa, một con rối… Hãy chơi trò ‘Ai thông minh hơn’ để giúp bé phân biệt được khái niệm ‘muốn’ và ‘cần’.
Đầu tiên, giúp bé phân biệt 2 khái niệm này một cách đơn giản. Ví dụ: mẹ nói với bé rằng ‘cần thiết’ là điều gì mà bắt buộc con phải có để tồn tại, ví dụ như không khí, thức ăn, nước và chỗ ở.
Còn ‘muốn’ là điều gì mà con vui thích khi có được.
Sau đó, hãy làm một cái bình ‘Ai thông minh hơn’. Mỗi lần ai đó trong gia đình nói: ‘Tôi cần’, trong khi đúng ra phải nói ‘Tôi muốn’ thì người đó phải bỏ một đồng tiền lẻ vào trong bình.
Con bạn sẽ nhận thức đúng về 2 khái niệm này và thú vị với trò chơi khi chính bạn cũng lỡ lời để phải bỏ tiền (bạn chắc chắn hãy ‘lỡ lời’ như vậy nhé!).
Cuối cùng, khi cái bình đã đầy tiền lẻ, gia đình bạn sẽ dùng nó để đóng góp từ thiện cho những người mà thực sự ‘cần’ những đồ thiết yếu.
Theo Phương Phương/ Gia đình mới