Mỗi mùa sấu, tôi thường mua rất nhiều về ngâm đường và cấp đông để ăn dần trong năm. Xin chuyên gia tư vấn, sấu có tác dụng với sức khỏe không. Người say rượu dùng nước sấu thay chanh được không? Tôi xin cảm ơn! (Trần Hồng Anh - Thanh Xuân, Hà Nội)
Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông Y Hà Nội, tư vấn:
Mùa hè, quả sấu đều được các gia đình yêu thích, mua về tích trữ ăn dần. Loại quả này không chỉ giúp món ăn ngon hơn, còn có tác dụng với sức khỏe.
Thành phần của quả sấu bao gồm phần vỏ, thịt quả màu trắng. Khi xanh, sấu có vị chua mát đặc trưng, có mùi thơm. Khi già, quả sấu chín vàng, dùng làm sấu dầm, nấu ăn ít ngon hơn.
Về giá trị dinh dưỡng, trong sấu chứa 86% nước, 1% axit hữu cơ, 1,3% protein, 8,2% gluxit, 2,7% chất xơ, 100mg canxi, 44mg phốt pho, 3mg sắt, và nhiều vitamin C, B, A.
|
Quả sấu có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Ảnh: Phương Thúy. |
Theo quan niệm của Đông y, quả sấu xanh có vị chát, chua. Sấu chín có tính ngọt, mát. Sấu có tác dụng kiện vị sinh tân, tiêu thực, chữa ho, tiêu đờm. Người dân dùng sấu chữa các chứng nhiệt miệng, ngứa cổ, đau họng, nôn ói do nghén, say rượu, nổi mẩn, lở ngứa, sưng lợi.
Để giải rượu, người dân hay có thói quen dùng chanh mật ong. Quả sấu giải rượu, bia cũng rất hiệu quả. Bạn có thể dùng sấu ngâm đường uống. Nếu không có sấu ngâm, bạn lấy sấu khô nấu nước cô đặc lại, thêm mật ong hoặc đường phèn, gừng. Uống 1-2 ly giải nồng độ cồn, giúp cơ thể khỏe mạnh nhanh hơn.
Nhờ tác dụng kiện vị sinh tân, quả sấu kích thích tiêu hóa tốt, giảm các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu. Sấu nấu ăn hoặc ngâm uống đều tốt cho hệ tiêu hóa. Mùa hè, quả sấu cũng là thực phẩm đầu bảng để giải nhiệt, giải độc, giảm tình trạng ngứa, đau họng. Bạn có thể dùng sấu ngâm đường với gừng pha nước uống hằng ngày hoặc sấu nấu với nước canh xương.
Ngoài ra, bạn dùng sấu ngâm mật ong để trị ho, giảm các triệu chứng thai nghén cho bà bầu. Khi ngâm sấu, bạn nên cho thêm chút gừng để tăng hiệu quả của bài thuốc.
Quả sấu còn có tác dụng giảm cân. Các thành phần axit nitric trong sấu làm sạch đường ruột, làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu, đẩy mạnh trao đổi chất béo trong cơ thể, giúp hấp thụ canxi tốt.
Lưu ý khi dùng sấu:
- Quả sấu có hàm lượng vitamin C rất cao nên người bị viêm loét dạ dày không nên dùng sấu tươi hoặc các món chế biến từ quả này.
- Không ăn khi đói, thành phần của sấu có thể bào mòn niêm mạc dạ dày gây tổn thương và viêm loét.
- Sấu ngâm đường ngon mát nhưng người bị đái tháo đường, bệnh tim mạch nên thận trọng vì có thể gây rối loạn chuyển hóa, tăng đường huyết đột ngột. Mỗi ngày, người bình thường chỉ nên uống 1 cốc nước sấu pha loãng 300-350ml.
- Trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi không nên ăn sấu, các sản phẩm từ quả này do hệ tiêu hóa còn nhạy cảm.
Theo Phương Thúy/Vietnamnet