Số ca mắc ở Việt Nam:
- Tính đến 6h ngày 04/9: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.
- Tính từ 18h ngày 03/9 đến 6h ngày 04/9: 0 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 61.968, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 998
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 15.619
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 45.351
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 755 bệnh nhân COVID-19/ 1.046 ca mắc.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại 19 cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 24 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 52 ca, số ca âm tính lần 3 là 23 ca.
Hiện có 8 trường hợp có tiên lượng rất nặng và tử vong, chiếm (3,3%) trong tổng số bệnh nhân đang điều trị, trong đó số tiên lượng rất nặng là 6/8 trường hợp (2,5%), và tiên lượng tử vong là 2 trường hợp (0,8%), 01 tại Bệnh viện Dã chiến Hoà vang và 01 BN tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.
Nguy cơ dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng vẫn còn
Nhận định diễn biến dịch bệnh trong nước, đại diện Bộ Y tế cho biết, nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng vẫn còn do: Nguy cơ mầm bệnh trong cộng đồng vẫn còn; trường hợp nhập cảnh nhiễm virus SARS-CoV-2; trường hợp mắc bệnh nhưng không có triệu chứng…
Thời gian tới, thời tiết có nhiều thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm về hô hấp phát triển mạnh; do đó, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cần tiếp tục được duy trì và tăng cường.
Trước nhận định của Bộ Y tế, các chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất sinh phẩm xét nghiệm và thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhấn mạnh tinh thần phải chung sống an toàn với dịch và thảo luận sâu về chiến lược xét nghiệm phù hợp với tình hình mới
Các đại biểu khẳng định trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có vai trò quan trọng của công tác xét nghiệm, nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Tính tới thời điểm hiện tại, với quy mô dân số gần 100 triệu dân, nhưng tổng chi phí dành cho công tác chống dịch chưa đến 8000 tỷ đồng. Chúng ta không chỉ ngăn chặn dịch hiệu quả mà còn là một trong những nước chống dịch tiết kiệm nhất.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra là phải bảo đảm mục tiêu kép là vừa tổ chức phòng, chống dịch bệnh vừa phải bảo đảm phát triển kinh tế. Trước mắt và dễ thấy nhất là yêu cầu phải mở các chuyến bay thương mại để đón chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường các hoạt động giao lưu đem lại lợi ích cho quốc gia, cùng với đó là những hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Muốn vậy, chúng ta phải thực hiện rất nhiều biện pháp, trong đó có chiến lược xét nghiệm.
Các chuyên gia nhấn mạnh phải thay đổi chiến lược xét nghiệm theo hướng tổ chức xét nghiệm nhanh tại các cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu, địa điểm công cộng tập trung đông người để đẩy nhanh quá trình sàng lọc, phát hiện ca bệnh, không để sót, lọt các ca nhiễm.
Theo Thái Bình/Sức khỏe và đời sống