Lười làm việc nhà
Ngày nay mỗi gia đình thường chỉ có 1-2 con, vậy nên cha mẹ có xu hướng nuông chiều con hơn. Với những công việc nhà như quét nhà, rửa bát, dọn dẹp phòng,… cha mẹ thường tự mình làm thay vì nhờ con.
Thậm chí, nhiều khi con trẻ muốn phụ giúp cha mẹ nhưng lại bị từ chối vì cho rằng để chúng làm thì lại phải đi dọn lại còn vất vả hơn.
Theo tiến sĩ Kristyn – Giảng viên khoa tâm lý học phát triển thuộc trường Đại học Queensland (Úc) thì đây là sai lầm phổ biến của các bậc phụ huynh. Nếu cha mẹ sợ con làm sai, làm bẩn, làm chậm chạp thì trẻ sẽ ỷ lại và thêm lười biếng.
Tốt nhất cha mẹ nên “lười biếng” một chút, sai còn làm những việc lặt vặt như nhặt rau, quét nhà, rửa chén từ khi con còn bé. Mới đầu con có thể chưa làm tốt nhưng chỉ cần cha mẹ động viên, chỉ dẫn thì lâu dần còn sẽ quen việc. Quá trình làm việc nhà sẽ giúp trẻ rèn luyện tính độc lập, sự kiên nhẫn và cách giải quyết vấn đề.
Lười dạy con học
Cha mẹ hiện tại thường quan tâm nhiều đến việc học tập của con. Vì vậy, việc cha mẹ ngồi cạnh kèm con học không có gì là lạ.
Tuy nhiên, nếu ngồi cạnh con mà cứ cằn nhằn về chuyện học sẽ khiến con cảm thấy buồn chán, thậm chí còn hình thành nên cảm xúc rối loạn.
Thay vì ngồi kè kè bên con, bạn có thể đưa ra những quy định thưởng phạt và cho con cơ hội được chịu trách nhiệm đối với việc học của mình. Đừng tạo thêm cho trẻ áp lực học hành mã hãy để trẻ nhận thấy việc học là vì chính bản thân mình. Từ đó, trẻ sẽ học được tính tự kỷ luật.
Lười “lót đường” cho con
Không cha mẹ nào muốn con phải đi trên con đường nhiều chông gai. Vì vậy, nhiều cha mẹ sẵn sàng trải sẵn thảm đỏ như đăng ký cho con tham gia mọi khóa học, tham gia các lớp học năng khiếu,…
Nhiều cha mẹ lo lắng nếu không để cho con học nhiều, tham gia lớp nọ lớp kia thì con sẽ bị tụt hậu. Họ sợ con không đạt được điểm số tốt trong các kỳ thi.
Theo tiến sĩ Kristyn thì đây là kiểu chăm lo thái quá. Nó làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, khiến trẻ mất đi khả năng tìm tòi học hỏi, giảm sự sáng tạo và trí tưởng tượng.
Tốt nhất cha mẹ nên hướng dẫn con để con tự tìm thấy mục tiêu của mình, động viên con để con biết phát huy điểm mạnh của bản thân. Như vậy đứa trẻ lớn lên mới có đủ thông minh để giải quyết vấn đề.
Theo Trần Thu Thủy/ Khoevadep