Cách đây không lâu, tại Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Nhi, thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc đã tiếp nhận 3 người trong nhà đã phải nhập viện vì ngộ độc sau khi ăn dưa hấu.
Theo trưởng khoa tiêu hóa của bệnh viện này, ban đầu có bé gái và một bé trai phải nhập viện với biểu hiện là sốt, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, hoa mắt, chóng mặt. Tuy nhiên đến đêm hôm đó thì người bà cũng có các triệu chứng như vậy và phải nhập viện gấp. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận 3 bà cháu bị viêm ruột cấp và nguyên nhân ban đầu được cho là họ đã ăn miếng dưa hấu không được bọc kín và để trong tủ lạnh khoảng 3 - 4 ngày trước.
Theo bác sĩ, các loại hoa quả đã cắt mà không để trong hộp riêng hoặc dùng màng bọc bọc lại thì không thể ngăn vi khuẩn bám vào bề mặt của quả, sẽ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa. Không những thế, miếng dưa hấu này đã được để trong thời gian quá lâu.
Những điều kiêng kị khi ăn dưa hấu:
Không ăn nhiều dưa hấu trong một lúc
Dưa hấu là loại quả có tính lạnh nên nếu ăn quá nhiều trong một lúc sẽ dễ gây hại cho tỳ vị, dạ dày, nhất là với những người có thể trạng yếu, lạnh bụng. Nếu cố ăn nhiều có thể gây đau bụng, tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu...
Không nên ăn dưa hấu trước và sau bữa ăn
Dưa hấu là loại trái cây nhiều nước, nếu ăn trước và sau bữa ăn, sẽ làm loãng dịch tiêu hóa trong dạ dày, ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Ngoài ra, khi nạp lượng nước lớn vào cơ thể sẽ gây cảm giác no, giảm yếu tố kích thích ăn uống, ảnh hưởng tới sức khỏe. Do đó, những người muốn giảm cân có thể ăn lượng dưa hấu vừa phải ngay trước bữa ăn để hạn chế lượng thức ăn nạp vào cơ thể.
Không nên ướp lạnh dưa hấu quá lâu
Việc để dưa hấu trong tủ lạnh quá lâu sẽ làm hình thành một lớp màng lạnh trên bề mặt thịt dưa, từ đó tạo ra lớp đá bao phủ, có thể gây đau răng, viêm họng khi ăn. Hơn nữa, nhiệt độ của dưa hấu đá cũng có thể gây kích thích, làm tê liệt tuyến nước bọt, dây thần kinh vị giác lưỡi và dây thần kinh nha chu trong khoang miệng.
Ngoài ra, dưa hấu lạnh cũng có thể gây tổn thương lá lách và dạ dày, thậm chí còn khiến tình trạng đau dạ dày thêm tồi tệ hơn. Đó cũng là lý do vì sao nhiều chuyên gia khuyến cáo nên bảo quản dưa hấu ở nhiệt độ phòng để tránh làm giảm bớt hàm lượng dinh dưỡng trong loại quả này.
Trong trường hợp vẫn muốn ướp lạnh dưa hấu thì chỉ nên để tối đa 2 tiếng trong tủ làm mát.
Dưa hấu đã bổ mà để lâu cũng không nên ăn
Nếu dưa hấu đã bổ ra mà bạn không ăn ngay thì rất dễ tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi và hình thành trong mùa hè. Việc ăn loại dưa hấu này có thể kéo theo nhiều bệnh về đường tiêu hóa.
Không ăn dưa hấu nhiều vào buổi tối
Buổi tối, quá trình tiêu hóa diễn ra chậm hơn bình thường, do đó, bạn nên tránh xa các thực phẩm có nhiều đường và axit. Trong khi đó, dưa hấu lại là loại quả chứa nhiều đường, không tốt cho hệ tiêu hóa, gây tăng cân khi ăn vào buổi tối.
Ngoài ra, tỷ lệ nước lớn trong dưa hấu có thể khiến bạn đi vệ sinh vào ban đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ thiếu ngủ và mệt mỏi vào hôm sau.
Không ăn chuối cùng dưa hấu
Dưa hấu chứa hàm lượng đường cao, lên tới khoảng 15% và rất giàu kali. Trong khi đó, chuối cũng rất giàu kali, khoảng 300-500 mg/100g. Do đó, với những bệnh nhân mắc suy thận không nên ăn kết hợp cùng lúc 2 loại trái cây có chứa hàm lượng kali cao như chuối và dưa hấu. Nếu hàm lượng kali trong máu tăng cao có thể gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh.
Theo Vũ Ngọc/Khoevadep