|
Dâu tây bán trên thị trường Mỹ đứng đầu bảng trong danh sách các loại hoa quả bị nhiễm nặng thuốc trừ sâu nặng nhất (Nguồn: Getty).
|
Cứ mỗi năm kể từ năm 2004 đến nay, Nhóm Công tác Môi trường (EWG) - một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì mục tiêu bảo vệ môi trường lại đưa ra bản xếp hạng gồm 47 loại rau và hoa quả nhiễm nặng thuốc trừ sâu.
Từ đó, tổ chức này đưa ra Cẩm nang Người tiêu dùng hướng dẫn người mua nhận thức rõ hơn về các loại thuốc trừ sâu được sử dụng trong nông nghiệp.
Rau chân vịt nằm ở vị trí thứ hai trong danh sách có tên "Dirty Dozen" (tức dánh sách 12 loại hoa quả bẩn nhất) mà EWG công bố năm nay.
Tiếp sau 2 vị trí đầu bảng là cây xuân đào, táo, nho, đào, sơ-ri, lê, cà chua, cần tây, khoai tây và ớt chuông.
Mỗi loại rau quả trong danh sách này đều cho kết quả dương tính với dư lượng thuốc trừ sâu và có mức độ tập trung thuốc trừ sâu cao trong các cuộc thử nghiệm.
Trên thực tế, gần 70% sản lượng các loại rau quả trên được trồng theo phương pháp tự nhiên - không phải rau quả hữu cơ - đều cho ra kết quả xét nghiệm bị nhiễm thuốc trừ sâu.
"Trái cấm" thứ 13
Danh sách của EWG được công bố dựa trên kết quả thử nghiệm của Bộ Nông nghiệp và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc men (FDA) Mỹ phối hợp thực hiện đối với 38.800 mẫu rau quả phi hữu cơ.
EWG sau đó sử dụng 6 tiêu chí đánh giá về nhiễm độc, bao gồm dư lượng chất thuốc trừ sâu được tìm thấy trên các mẫu vật thử nghiệm.
Trong lúc thử nghiệm các mẫu rau quả, các nhân viên thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã rửa và bóc vỏ các mẫu vật thử nghiệm để mô phỏng quá trình sử dụng của người dùng.
Mẫu dâu tây được thử nghiệm cho thấy chúng có chứa tới 20 loại thuốc trừ sâu.
Hơn 98% lượng dâu tây, rau chân vịt, đào, xuân đào, sơ-ri và táo được đem ra thử nghiệm đều cho kết quả dương tính với ít nhất 1 loại thuốc trừ sâu.
Tính trung bình dựa trên trọng lương, rau chân vịt có dư lượng thuốc trừ sâu cao gấp 1,8 lần so với các loại rau quả khác.
Năm nay, danh sách 12 "trái cấm" của EWG khá đặc biệt khi bao gồm cả loại quả thứ 13: Ớt.
“Loại quả này được phát hiện nhiễm các loại dư lượng thuốc trừ sâu có thể gây tổn hại cho hệ thần kinh của con người”, theo EWG.
Tổ chức này còn khuyến cáo những ai có thói quen ăn ớt nên bắt đầu sử dụng ớt hữu cơ.
"Nếu không tìm thấy nơi bán hoặc không đủ điều kiện mua ớt hữu cơ, hãy nấu chín chúng, bởi dư lượng thuốc trừ sâu sẽ biến mất khi loại quả này được nấu chín" - các tác giả nghiên cứu của EWG cho hay.
Nguy cơ gây bệnh mãn tính
Báo cáo của EWG cũng nhấn mạnh rằng sức khỏe trẻ em chính là quan ngại hàng đầu của họ do dễ bị tổn thương bởi dư lượng thuốc trừ sâu hơn so với người lớn.
"Thuốc trừ sâu có thể gây ra các vấn đề sức khỏe mãn tính đối với trẻ em, trong đó bao gồm các vấn đề về hành vi hay phát triển hệ thần kinh, gây dị tật bẩm sinh, hen suyễn và ung thư", báo cáo của EWG dẫn lại một nghiên cứu mà Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ công bố năm 2012.
Theo EWG, những người tiêu dùng thường xuyên tiêu thụ các loại rau quả nằm trong danh sách 12 "trái cấm" có dư lượng thuốc trừ sâu cao nhất nên chuyển sang sử dụng rau quả hữu cơ.
Rửa các loại rau quả bằng nước sạch hiện vẫn là một biện pháp đơn giản mà hữu hiệu để gột rửa dư lượng thuốc trừ sâu.
Giới khoa học cũng khuyến cáo nên rửa tất cả các loại rau quả tươi bằng nước sạch trong khoảng 30 giây trước khi sử dụng.
Giới khoa học cho rằng chỉ riêng việc rửa sạch các sản phẩm rau quả là đã đủ để tránh hấp thụ dư lượng thuốc trừ sâu, bởi các loại nước rửa rau quả đang quảng cáo hiện nay không hề làm giảm dư lượng thuốc trừ sâu.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mà ĐH Massachusetts công bố mới đây cho thấy rửa rau quả trong hỗn hợp Baking Soda và nước là cách hữu hiệu hơn trong việc làm sạch chúng.
Tom Stenzel, Chủ tịch kiêm Giám đốc Hiệp hội Sản phẩm Sạch ở Mỹ nói rằng, người tiêu dùng không nên dựa dẫm vào các hướng dẫn tiêu dùng khi quyết định mua rau quả.
Tổ chức này đại diện cho các nhà sản xuất nông nghiệp, nhà vận chuyển, các công ty chế biến nông sản, đại lý và chuỗi bán lẻ nông sản.
"An toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu trong ngành công nghiệp này, từ khâu thu hoạch cho đến khi vào tay người tiêu dùng", ông Stenzel nói.
Ông cũng khuyến khích người tiêu dùng tự nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm và truy cập vào website an toàn thực phẩm của tổ chức có tên gọi Liên minh Thực phẩm và Trang trại, đại diện cho các hộ trang trại nuôi trồng thực vật tự nhiên và hữu cơ.
"Nâng tầm nhận thức của người tiêu dùng là biện pháp tốt nhất để giúp họ lựa chọn thông minh các sản phẩm cho gia đình" - ông Stenzel nói.
Danh sách 15 rau quả sạch
Ngoài danh sách 12 "trái cấm", EWG cũng công bố cả danh sách các loại rau quả tươi có dư lượng thuốc trừ sâu ít nhất, có tên gọi "Clean 15" (hay danh sách 15 loại rau quả an toàn).
Trong danh sách "Clean 15" của năm 2018, quả bơ được đánh giá là loại quả sạch nhất, tiếp sau đó là ngô ngọt, dứa, bắp cải, hành tây, đậu hoa, đu đủ, măng tây, xoài, cà tím, dưa bở ruột xanh, kiwi, dưa đỏ, súp lơ, bông cải xanh.
Hai loại rau quả đứng đầu danh sách này - quả bơ và ngô ngọt - đều chỉ có dư lượng thuốc trừ sâu dưới 1%, theo báo cáo của EWG.
Hơn 80% các mẫu thử của các loại rau quả như dứa, đu đủ, măng tây, hành tây và bắp cải đều ra kết quả không có dư lượng thuốc trừ sâu.
Tuy nhiên, EWG cũng cảnh báo rằng có một lượng nhỏ ngô ngọt, đu đủ và bí ngồi bán ra trên thị trường Mỹ được sản xuất từ các loại hạt biến đổi gen.
Tổ chức này khuyến cáo rằng những ai muốn tránh các sản phẩm biến đổi gen như vậy nên chuyển qua mua sản phẩm hữu cơ.
Thông qua website chuyên về thực phẩm có lợi cho sức khỏe của mình, ChooseMyPlate, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng khuyên người dân nên sử dụng nhiều rau củ tươi và an toàn trong mỗi bữa ăn, ít nhất chiếm khoảng 50% lượng thực phẩm trên đĩa ăn của họ.
"Mọi thứ mà các bạn ăn và uống đều rất quan trọng, cách phối hợp thực phẩm thông minh có thể giúp bạn khỏe mạnh hơn trong hiện tại và tương lai", Bộ Nông nghiệp Mỹ khuyến cáo.
Dâu tây bán trên thị trường Mỹ đứng đầu bảng trong danh sách các loại rau quả nhiễm thuốc trừ sâu nặng nhất (Nguồn: Getty).
Dâu tây bán trên thị trường Mỹ đứng đầu bảng trong danh sách các loại rau quả nhiễm thuốc trừ sâu nặng nhất (Nguồn: Getty).
Theo Linh Chi/Đại Đoàn Kết