Trong năm 2022, đã có hơn 20 triệu người phải sống với căn bệnh ung thư, ước tính đến năm 2040, con số này sẽ vượt mốc 30 triệu người. Căn bệnh này gây ra gánh nặng tử vong cực lớn đối với nền y tế toàn cầu, với trên 10 triệu người tử vong trong năm 2022 và dự báo năm 2040 sẽ là 16,3 triệu người.
Tại Việt Nam, ước tính năm 2022 số người bệnh được chẩn đoán mắc căn bệnh ác tính này là hơn 190.000 người, số người tử vong là khoảng 125.000 người, khi phần lớn người bệnh tới khám đã ở giai đoạn muộn. Đáng báo động, các con số trên đang tăng chóng mặt.
Đã có rất nhiều những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư, hiệu quả đạt được cũng rất đáng kể, tuy vậy, kết quả này chủ yếu đến từ việc chẩn đoán được bệnh ở giai đoạn sớm, nhất là với những nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Vậy những người có nguy cơ cao mắc ung thư, cần được khám và sàng lọc sớm là những ai?
Tuổi cao nguy cơ càng tăng
Nhiều thống kê chỉ ra rằng, tuổi càng cao, nguy cơ ung thư sẽ càng tăng. Theo số liệu của Mỹ, tuổi trung bình chẩn đoán Ung thư là 66 tuổi. Một số ung thư phổ biến có tuổi trung bình khác nhau: vú (62 tuổi), phổi (70 tuổi), đại tràng (67 tuổi), cổ tử cung (50 tuổi)…Một số ung thư phổ biến ở người trên 50 tuổi bao gồm: vú, phổi, đại trực tràng, gan, tiền liệt tuyến, hắc tố, bàng quang…
Tuy nhiên, tuổi trẻ cũng vẫn có nguy cơ mắc một số ung thư như: bệnh bạch cầu, ung thư xương, u não, u tế bào mầm, u nguyên bào võng mạc, u nguyên bào gan.
Độ tuổi dưới 40 cũng có nguy cơ với một số bệnh: tuyến giáp, buồng trứng, tinh hoàn, u lympho, đại trực tràng (có yếu tố di truyền), da…
Lời khuyên chuyên gia: Nữ giới trên 40 tuổi nên đi tầm soát ung thư: vú, cổ tử cung, đại trực tràng; Người trên 50 tuổi nên đi sàng lọc ung thư: phổi, đại trực tràng, gan (nhất là người nhiễm viêm gan B,C), ung thư tiền liệt tuyến.
Người lạm dụng rượu
Uống rượu làm tăng nguy cơ ung thư: khoang miệng, hầu họng, thanh quản, thực quản, gan và vú. Uống càng nhiều, nguy cơ càng cao. Đặc biệt ,nguy cơ ung thư cao gấp 4-10 lần đối với những người uống rượu đồng thời sử dụng thuốc lá.
Hướng dẫn của Mỹ cho biết rượu chỉ nên uống tối đa một ly/ngày đối với phụ nữ và tối đa 2 ly/ngày đối với nam giới.
Nhiều ý kiến cho rằng rượu vang đỏ có thể chống ung thư, nhưng thực tế không có nghiên cứu nào chứng minh cho giả thiết trên.
Lời khuyên chuyên gia: Bất cứ ai có tiền sử lạm dụng rượu liên tục trên 10 năm, với lượng rượu sử dụng mỗi ngày từ 3 ly rượu mạnh trở lên (>100ml) thì nên đi thăm khám để sàng lọc các bệnh lý ung thư khoang miệng, thực quản,gan, phổi.
1 đơn vị uống chuẩn (standard drink) của Mỹ là 14 gam rượu nguyên chất tương đương với 1 cốc bia 5% (350 ml) hoặc 1 ly rượu vang 12% (150 ml) hoặc 1 ly rượu mạnh 40% (44 ml).
Phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư.
Người có tiền sử tiếp xúc các chất có khả năng sinh ung thư
Một số chất có khả năng sinh ung thư, do có khả năng thay đổi ADN của tế bào, nhất là với số lượng nhiều và thời gian tiếp xúc kéo dài. Đó là các hoá chất như: Aflatoxin (nấm mốc), thạch tín (ARSENIC), amiăng, benzen, tinh thể silicat, khí thải lò than, formaldehyde (đồ gỗ,nội thất, chất tẩy rửa,mỹ phẩm…), hợp chất niken, hút thuốc lá thụ động (phụ nữ, trẻ em), bồ hóng, bụi gỗ…
Lời khuyên chuyên gia: Với những ai có tiền sử tiếp xúc kéo dài, hoặc làm việc trong những môi trường độc hại, tiếp xúc các hoá chất kể trên, nên thăm khám định kì ít nhất 1 năm/1 lần.
Người mắc các tổn thương viêm mạn tính
Theo thời gian, tình trạng viêm mãn tính có thể gây tổn thương DNA và dẫn đến ung thư. Ví dụ, những người mắc bệnh viêm ruột mạn tính (viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn) có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn. Hoặc tổn thương viêm loét ngoài da lâu liền cũng là một yếu tố nguy cơ của ung thư da.
Lời khuyên chuyên gia: Với người có tiền sử rối loạn tiêu hoá kéo dài, dùng thuốc không đỡ hoặc đỡ ít, hoặc trên cơ thể có những tổn thương loét lâu lành, nên tới khám sàng lọc ung thư sớm nhất.
Người có chế độ ăn uống không khoa học
Các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều chất phụ gia, chất dinh dưỡng và các thành phần khác trong đồ ăn để tìm ra mối liên hệ với nguy cơ ung thư. Cụ thể như:
Acrylamide: hóa chất được tìm thấy trong khói thuốc lá và một số loại thực phẩm. Nó được tạo ra khi nấu một số loại rau, ví dụ như khoai tây, được đun nóng ở nhiệt độ cao (chiên, rán).
Rượu: Uống rượu nhiều hoặc thường xuyên làm tăng nguy cơ phát triển ung thư khoang miệng (trừ môi), hầu họng, thanh quản, thực quản, gan, vú, đại trực tràng. Nguy cơ phát triển ung thư tăng theo lượng rượu mà người đó uống.
Chất làm ngọt nhân tạo: Các nghiên cứu cho thấy không có bằng chứng rõ ràng về sự liên quan của một số chất làm ngọt nhân tạo (saccharin, aspartame, acesulfame kali, sucralose, neotame và cyclamate) đến nguy cơ ung thư ở người.
Thịt nướng, hun khói: Một số hóa chất (HCAs và PAH) hình thành khi thịt bò, thịt lợn, cá và gia cầm, được nấu bằng phương pháp nhiệt độ cao sẽ có nguy cơ hình thành các biến đổi sinh ung thư.
Người bị rối loạn nội tiết
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ ung thư vú của phụ nữ có liên quan đến Estrogen và Progesterone nội sinh do buồng trứng tạo ra, đặc biệt là với những người có kinh sớm, mãn kinh muộn, không sinh con hoặc có con đầu tiên khi cao tuổi. Ngược lại, sinh con là một yếu tố bảo vệ khỏi ung thư vú.
Liệu pháp hormone mãn kinh kết hợp (estrogen cộng với progestin) làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ.
Liệu pháp hormone mãn kinh chỉ với estrogen cũng làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung và chỉ được sử dụng ở những phụ nữ đã cắt bỏ tử cung.
Diethylstilbestrol (DES) là một dạng estrogen được dùng để ngăn ngừa sảy thai, sinh non và các vấn đề liên quan đến thai kỳ. Phụ nữ dùng DES khi mang thai có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Con gái của họ có nguy cơ cao bị ung thư âm đạo hoặc cổ tử cung.
Người có tình trạng ức chế miễn dịch
Nhiều người được cấy ghép nội tạng phải dùng thuốc để ức chế miễn dịch để cơ thể không đào thải nội tạng. Những loại thuốc "ức chế miễn dịch" này làm cho hệ thống miễn dịch kém khả năng phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư hoặc chống lại nhiễm trùng gây ung thư.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người được cấy ghép có nguy cơ mắc một số lượng lớn các bệnh ung thư khác nhau. 4 bệnh ung thư phổ biến nhất ở những người được ghép tạng và xảy ra phổ biến hơn so với người bình thường là ung thư hạch không Hodgkin (NHL), ung thư phổi, thận và gan. NHL có thể do nhiễm vi-rút Epstein-Barr (EBV); ung thư gan do nhiễm Virus viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV) mạn tính.
Nhiễm HIV cũng làm suy yếu hệ thống miễn dịch và tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Những người nhiễm HIV/AIDS tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư do các tác nhân truyền nhiễm gây ra, bao gồm cả EBV; Herpesvirus 8-virus liên quan đến Kaposi sarcoma; HBV và HCV gây ung thư gan; và virus u nhú ở người (Human papiloma virus), gây ra ung thư cổ tử cung, hậu môn, hầu họng và các bệnh ung thư khác. Nhiễm HIV cũng liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư không do các tác nhân truyền nhiễm gây ra, ví dụ ung thư phổi.
Người nhiễm một số tác nhân truyền nhiễm
Hầu hết các loại virus có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư có thể truyền từ người này sang người khác qua máu và/hoặc các chất dịch cơ thể khác.
EBV: Epstein Barr Virus: liên quan ung thư hạch, ung thư vòm mũi họng. Hơn 90% dân số thế giới sẽ bị nhiễm EBV trong suốt cuộc đời của mình và hầu hết không có bất kỳ triệu chứng nào. Không có vắc-xin để ngăn ngừa EBV và không có phương pháp điều trị cụ thể đối với nhiễm EBV.
Virus viêm gan B và C: những người nhiễm viêm gan B,C và đã phát triển thành viêm gan mãn tính hoặc xơ gan, nên khám sàng lọc đều đặn 1-2 năm/lần để loại trừ Ung thư gan.
Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV): Đây là vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), gây suy yếu hệ thống miễn dịch khiến cơ thể ít có khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng khác gây ung thư. Những người bị nhiễm HIV tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt là kaposi Sarcoma, u lympho(bao gồm cả u lympho không Hodgkin và bệnh Hodgkin) và ung thư cổ tử cung, hậu môn, phổi, gan và hạ họng.
Virus gây u nhú ở người (HPV): Có 2 type (16,18) trong tổng số hơn 100 type HPV là nguy cơ cao gây ra ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, Chúng cũng gây ra hầu hết các bệnh ung thư hậu môn và nhiều bệnh ung thư hầu họng, âm hộ, âm đạo, và dương vật. HPV nguy cơ cao lây lan dễ dàng qua quan hệ tình dục.
Lời khuyên chuyên gia: Nên khám sàng lọc ung thư cổ tử cung ở độ tuổi 40, và nên tiêm phòng HPV cho trẻ từ 9-12 tuổi.
Virus gây bệnh bạch cầu tế bào T ở người : Human T cell leukemia virus-HTLV: HTLV-1 có thể gây ra ung thư hạch không Hodgkin; Human herpes virus 8: gây Kaposi Sarcoma.
Polyomavirus tế bào Merkel (MCPyV): gây ung thư biểu mô tế bào Merkel, một loại ung thư da hiếm gặp.
Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP): Là một loại vi khuẩn có thể gây ung thư dạ dày, vùng hang, môn vị , u lympho malt dạ dày. Nó cũng có thể gây loét dạ dày. Khoảng hai phần ba dân số thế giới chứa H. Pylori.
Sán Pisthorchis viverrini: Loài sán lá được tìm thấy ở cá nước ngọt vùng Đông Nam Á, có thể gây ung thư đường mật trong gan khi ăn sống hoặc nấu chưa chín cá có chứa ấu trùng.
Sán Schistosoma hematobium: Đây là sán lá sống trong một số loại ốc nước ngọt được tìm thấy ở Châu Phi và Trung Đông, có thể gây ung thư bàng quang.
Người béo phì
Những người béo phì có thể tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư: ung thư vú (ở phụ nữ mãn kinh), ung thư đại trực tràng, K nội mạc tử cung, K thực quản, K thận, K tuyến tụy và K túi mật.
Chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất và duy trì cân nặng hợp lý có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường.
Người có tiền sử xạ trị
Bức xạ ion hóa có năng lượng cao, làm hỏng DNA và gây ung thư. Bức xạ ion hóa bao gồm radon, tia X, tia gamma và các dạng bức xạ năng lượng cao khác.
Radon là khí phóng xạ do đá và đất phát ra. Radon được hình thành khi nguyên tố phóng xạ Radium bị phá vỡ, Radium được hình thành khi các nguyên tố phóng xạ uranium và thorium bị phá vỡ. Những người tiếp xúc với lượng radon cao có nguy cơ mắc ung thư phổi.
Tia X: Tia X và các nguồn bức xạ khác: Bức xạ năng lượng cao, chẳng hạn như tia X, tia gamma, hạt alpha, hạt beta và neutron, có thể làm hỏng DNA và gây ung thư. Những dạng phóng xạ này có thể thấy trong các tai nạn tại các nhà máy điện hạt nhân và vũ khí nguyên tử được chế tạo, thử nghiệm hoặc sử dụng.
Một số xét nghiệm, ví dụ như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) và xạ trị cũng có thể gây tổn thương tế bào dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, nguy cơ từ các xét nghiệm này là rất nhỏ, và lợi ích từ việc thực hiện chúng luôn lớn hơn rủi ro.
Bác sĩ chỉ rõ 12 đối tượng cần đi khám sàng lọc định kỳ ung thư.
Người tiếp xúc với tia cực tím của mặt trời kéo dài
Tiếp xúc với bức xạ tia cực tím của mặt trời, đèn chiếu cực tím gây lão hóa da sớm và có thể dẫn đến ung thư da.
Mọi người ở mọi lứa tuổi và màu da nên hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là từ giữa buổi sáng đến cuối buổi chiều và tránh các nguồn bức xạ tia cực tím khác. Hãy nhớ rằng những tia nắng mặt trời mạnh nhất trong khoảng thời gian từ 10:00 sáng đến 4:00 chiều, có thể xuyên qua quần áo nhẹ, kính chắn gió, cửa sổ, được phản xạ lại bởi cát, nước, tuyết, băng và vỉa hè.
Lời khuyên chuyên gia: Những người có tiền sử tiếp xúc kéo dài ánh nắng mặt trời trực tiếp như công nhân xây dựng, người làm việc ngoài trời nên đi thăm khám 1-2 năm/lần, đặc biệt nếu xuất hiện các vết loét lâu lành trên da, trên da có bớt sắc tố đổi màu…
Người nghiện thuốc lá
Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư và tử vong do ung thư. Những người sử dụng các sản phẩm thuốc lá hoặc những người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá trong môi trường (còn gọi là hút thuốc thụ động) có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn: ung thư phổi, thanh quản, khoang miệng, thực quản, hầu họng, bàng quang, thận, gan, dạ dày, tuyến tụy, đại trực tràng, cổ tử cung, cũng như bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính.
Những người sử dụng thuốc lá không khói (thuốc lá hít hoặc nhai) có nguy cơ mắc ung thư khoang miệng, thực quản và tuyến tụy cao hơn rất nhiều.
Những người bỏ hút thuốc, bất kể tuổi tác, có tuổi thọ tăng đáng kể so với những người tiếp tục hút thuốc. Ngoài ra, bỏ hút thuốc tại thời điểm chẩn đoán ung thư làm giảm nguy cơ tử vong.
Lời khuyên chuyên gia: Bất cứ ai có tiền sử sử dụng thuốc lá (kể cả chủ động hay bị động) đều nên đi khám 6 tháng-1 năm/lần để tầm soát sớm các bệnh ung thư nói trên
ThS.BS Hà Hải Nam (Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K)
ThS.BS Hà Hải Nam