Nhiều người con dâu thành phố không thích về quê ăn Tết vì những lí do dưới đây.
Khi bố chồng là “đệ nhất tửu”
Chị Thanh Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) - một người “dị ứng” với Tết quê chồng tâm sự: Lý do chị không muốn về quê chồng ăn Tết vì ám ảnh cảnh tượng say xỉn bê tha diễn ra triền miên ở nhà chồng những ngày đầu năm mới. Chẳng là bố chồng chị được dân làng phong cho cái danh “đệ nhất tửu”, ông tỏ ra hãnh diện lắm.
Bạn bè, cháu chắt, hàng xóm láng giềng đến chúc Tết, ông đều bắt vợ dọn cỗ, bê chum “rượu thửa” ra rồi ép họ “đọ chén” nhằm chứng minh rằng tuy tuổi đã cao nhưng tửu lượng không hề giảm sút. Đầu xuân, sợ ông quy kết “coi thường tiền bối” nên chẳng ai dám từ chối một khi rượu đã rót ra.
Bởi vậy mà những ngày Tết, chị Thu và mẹ chồng xoay như chong chóng vì mâm này chưa dọn xong đã phải bê mâm khác lên theo chỉ đạo của chủ gia đình. Rượu vào lời ra, đôi khi chỉ một vấn đề tranh luận nhỏ cũng bị đẩy lên thành chuyện lớn, rồi giận dữ đập bát chén, cãi vã, chửi bới, thậm chí tuyên bố từ mặt nhau. Người thì chân nam đá chân chiêu lết về, người thì gục tại chiếu, nôn ọe ra đầy nhà...
|
Nét đặc trưng của Tết quê. |
Điều khiến chị Thu thất vọng nhất là sự “mất điểm” của chồng trong ngày Tết. Đường đường là một trí thức, một trưởng phòng nhân sự đạo mạo, nhưng thay vì khuyên nhủ, phân tích cho đấng sinh thành nhận ra uống rượu vừa hại sức khỏe vừa không làm chủ được hành vi, anh lại muốn được “nối ngôi”, muốn “con hơn cha”.
Lúc rượu phê phê, anh khua chân múa tay ba hoa khoác lác về tiền tài, địa vị rồi hứa hẹn xin việc cho đứa em này, giúp vốn đứa em kia. Anh còn ra oai bằng cách quát vợ, mắng con trước mặt người lạ khiến không khí gia đình trở nên nặng nề, căng thẳng. Vì giữ thể diện cho chồng và không muốn xảy ra xung đột ở thời khắc thiêng liêng đầu xuân, chị Thu đành miễn cưỡng phục tùng. Nhưng chị càng nhún nhường thì anh càng được thể lấn tới. Anh bắt vợ phải ngồi cạnh rót rượu, phải hát, phải cười theo sự chỉ đạo của mình.
Tiếng là về quê chồng ăn Tết nhưng chị Thu có cảm giác như bị đi khổ sai vậy. Chân tay chị rã rời, người sụt cân thấy rõ vì ngày nào cũng dậy từ sáng sớm chuẩn bị cỗ bàn, phục vụ tiệc nhậu, tối muộn vẫn chưa được nghỉ ngơi.
Bận đến mức chẳng còn thời gian đi chào hỏi họ hàng, nên làm dâu gần chục năm, chị vẫn chưa biết hết nhà, nhớ hết mặt cô dì, chú bác, anh em họ bên chồng. Hai đứa con thơ, chị cũng đành để mặc chúng vớ gì ăn nấy không có thời gian chăm sóc. Đã vậy, lời nói, hành vi của chồng càng khiến chị thêm ức chế.
Cả nhà ăn Tết trên chiếu bạc
Không vất vả như chị Thanh Thu nhưng về quê chồng ăn Tết với chị Quỳnh Anh (quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng) cũng là một cực hình. Chẳng là những ngày xuân, cả gia đình đều say sưa bên chiếu bạc, mình chị bơ vơ, lẻ loi, chẳng biết chơi cùng ai. Bố chồng với ông bác, ông chú và mấy người bạn già thì ngồi trên giường chơi tổ tôm, tá lả. Chồng chị cùng các anh em họ và đám thanh niên làng ngồi dưới nền nhà chơi xóc đĩa, ba cây.
Mẹ chồng chị và nhóm phụ nữ cũng không kém cạnh đám mày râu, tự sắp xếp một hội, ngồi chơi trong buồng “chơi phỏm”. Hầu như ai nấy đều đã chuẩn bị sẵn vài bộ bài vì sợ đầu năm quán xá chưa mở không có cái để “hành nghề”. Những trò chơi đen đỏ ấy không chỉ thu hút người lớn mà còn mê hoặc cả đám trẻ con. Chúng cũng xếp tiền mừng tuổi trước mặt, khoanh chân ngồi chơi tiến lên. Nhà chồng chỉ có một tầng nên chị Quỳnh Anh chẳng biết tránh đâu, đành cam tâm chịu trận.
Tiếng cãi lộn ồn ào của bọn trẻ, tiếng tranh luận, mùi khói thuốc của cánh đàn ông sát phạt lẫn nhau inh tai nhức óc. Người thắng tiền trăm, tiền triệu thì hả hê, người thua thì cay cú vì “giông cả năm”, cố tìm cách gỡ gạc lại nhưng càng thua đậm thêm dẫn đến kết cục “giận cá chém thớt”. Cô em họ cắp theo cả đứa con mới hơn một tuổi sang “họp”, đúng lúc vận đỏ thì thằng bé khóc, vợ sai chồng bế con về cho uống sữa để mình tranh thủ “kiếm cơm”, nhưng anh chồng cũng đang say sưa nên đùn đẩy cho vợ dẫn đến đánh chửi nhau ầm ĩ.
Mẹ chồng chị hôm được thì tươi như hoa, gọi cháu nội lại “phát lộc”, lúc thua nhẵn túi thì lén lút nịnh cháu vay tiền mừng tuổi để chơi tiếp. Có lần bí quá, bà còn bóng gió gạ con dâu khiến chị Quỳnh Anh miễn cưỡng phải rút hầu bao dù trước đó đã góp Tết và biếu mẹ chồng tiền. Bình thường bà kêu bị đau khớp nặng và huyết áp thấp phải ăn uống điều độ, ngủ nghỉ đúng giờ, nhưng Tết đến sẵn sàng ngồi hàng chục tiếng, lại còn để sẵn hộp bánh, gói kẹo gừng bên cạnh thỉnh thoảng nhấm nháp cho tỉnh táo.
Mối lo ngại lớn nhất của chị Quỳnh Anh là những tác động tiêu cực tới hai đứa con trai đang ở độ tuổi nhạy cảm. Những năm trước, chúng chỉ luẩn quẩn cạnh mẹ, chẳng lân la đến chiếu bạc, nhưng 2 năm trở lại đây bắt đầu quan tâm, học lỏm, bất chấp sự cấm cản của mẹ. “Ông bà, bố, các cô chú và các bạn đều chơi được thì tại sao con lại không” là câu cửa miệng bọn trẻ thốt lên mỗi lần chị khuyên chúng đừng quan tâm đến bài bạc. Cái lí sự ngây ngô nhưng tiềm ẩn mối nguy hiểm ấy khiến chị không khỏi lo lắng. Chị mong mỏi từng giây phút được trở lại thành phố để lập lại trật tự gia đình sau những ngày sinh hoạt bị đảo lộn trầm trọng.
Rỗng túi vì mẹ chồng mê tín
Vẫn biết “nhập gia tùy tục” nhưng sau 4 năm làm dâu, Bích Ngọc (quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) vẫn không thể thích nghi nổi với sự mê tín dị đoan của nhà chồng dịp đầu xuân năm mới. Hai vợ chồng Ngọc đều làm công nhân, đồng lương eo hẹp nhưng chiều theo tâm nguyện Tết đoàn viên của bố chồng ở Hưng Yên nên năm nào cũng tằn tiền, chắt chiu tiền về quê. Để trang trải chi phí tàu xe đi lại, quà cáp biếu xén, mừng tuổi…
Ngọc phải vay mượn thêm bạn bè. Dù đã tính toán chi lí, đã thống nhất với chồng những khoản được phép tiêu xài, nhưng về quê ăn Tết lần nào tài chính cũng bị thâm hụt khiến cô phải chật vật xoay sở. Năm thì phải bán chiếc dây chuyền của hồi môn mẹ tặng, năm thì cầm cố chiếc điện thoại đang dùng… mới có tiền đi vào.
Gia đình chồng Ngọc có quan niệm đầu năm càng đi lễ nhiều càng may mắn, phát đạt. Bởi vậy từ sáng sớm mồng 1 Tết, mẹ chồng đôn đáo, thúc giục, dẫn con cháu lên chùa, ra đình, ra đền làng lễ bái, cầu xin. Sang ngày mồng 2, bà đưa con cháu đến lễ ở miếu, phủ hoặc cửa cô, cửa cậu nào đó mà bà “nghe đồn linh thiêng lắm, cầu gì được nấy”.
Ngoài tiền thuê xe đi, còn phải sắm lễ mặn đàng hoàng đủ gà, xôi, hoa quả và đương nhiên là phải “đặt lễ”, trả chi phí nhờ thầy khấn hộ. “Tiền xuất, Phật biết. Đừng đắn đo chuyện lễ bái con ạ. Mình bỏ ra một đồng thì rồi “ngài” sẽ phù hộ độ trì cho mình kiếm lại 10 đồng” là câu bà thường an ủi mỗi lần thấy Ngọc tần ngần soi đi đếm lại số tiền ít ỏi còn lại khi mẹ chồng yêu cầu đặt hết cửa thánh, cửa mẫu, cửa quan. Chẳng biết dựa vào đâu bà bảo Ngọc cao số, nặng căn quả nên phải chăm đi lễ mới nhẹ bớt.
Thông thường ngày mồng 3, mẹ chồng Ngọc nhờ thầy bói đến xem tuổi cho cả nhà, ai năm đó có “sao xấu”, có hạn thì lại nhờ thầy hôm sau đến giải sao, giải hạn. Từ nửa đêm, Ngọc đã phải dậy chuẩn bị 3 mâm cơm đặt ban trên, ban dưới, ngoài sân và cả ngày hôm đó quỳ mỏi hết cả gối nghe thầy khấn lễ, gọi vong các cụ về cho mẹ chồng sì sụp cầu xin...
Riêng tiền tạ thầy đã lên tới cả triệu, mà trách nhiệm đó được quy thẳng cho con trai cả là chồng Ngọc. Năm nào cũng bị đẩy vào tình thế “tiền mất tật mang” khiến cô rất đỗi ấm ức. Tốn kém mấy triệu tiền cúng lễ đã đành, lại còn rước thêm những hoang mang, lo lắng từ những lời phán của thầy bói, thầy cúng. Đã vậy đi đâu lễ mẹ chồng cũng “hạ chỉ” phải đưa cả con Bống đi cùng để “được làm phép”.
Người lớn thì gắng gượng được chứ trẻ con sức đề kháng kém, lại vừa đi đường xa về, khí hậu, môi trường sống thay đổi mà di chuyển liên tục như thế nên lần nào về quê nội ăn Tết con bé cũng sổ mũi, sút cân, có năm còn sốt cao phải đưa vào viện cấp cứu. Ngọc đã nhiều lần nhờ chồng khuyên giải mẹ nhưng anh lại sợ bà một phép nên lúc nào cũng thoái thác: “Mẹ bảo sao thì cứ vậy mà theo”.
Theo Gia đình VN