Bệnh tắc nghẽn phổi đang hoành hành
Ông Nguyễn Văn R. 63 tuổi, quê Thái Bình đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai vì tắc nghẽn phổi mãn tính, nguyên nhân là do hút thuốc lá.
Ông R phải thở cố từng cơn, từng cơn với máy khí dung. Hai người con của ông giúp ông ngồi dậy, người cầm khí dung, người giúp ông vỗ lưng để thở.
|
Bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính. |
Với gia đình ông, những cơn khó thở cấp tính thường xuyên đến với ông R mà họ không biết đó là bệnh gì. Chỉ khi đến Bệnh viện Bạch Mai, sau khi xem phim chụp Xquang phổi, bác sĩ đã chẩn đoán ông bị tắc nghẽn phổi mãn tính.
Con trai ông R. kể, bố anh nghiện thuốc lá từ ngày xưa và đến năm 55 tuổi ông bị đột quỵ một lần tưởng không qua khỏi. Tuy nhiên, khi được cứu, ông R trở về nhà nhưng vẫn hút thuốc. Người nhà nói gì ông cũng không bỏ thuốc.
Mấy năm nay, số ngày ở viện của ông R ngang với ở nhà. Mỗi tháng ông lại đi viện vài ngày vì khó thở. Cuộc sống của ông vô cùng khó khăn, con cái không ai dám đi làm xa vì cha họ có thể đi viện bất cứ lúc nào.
Không chỉ riêng ông R., tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, có quá nhiều bệnh nhân bị tắc nghẽn phổi mãn tính mà nguyên nhân chủ yếu từ khói thuốc mang tới.
Bà Nguyễn Thị H. 70 tuổi quê Hoài Đức, Hà Nội cũng đang phải ôm trên miệng chiếc máy khí dung để thở bởi bà bị tắc nghẽn phổi mãn tính. Tuy không nghiện thuốc lá nhưng 4 người con trai và chồng bà lại thường xuyên hút. Đến bây giờ, các cháu trai của bà lớn lên cũng hút thuốc.
Bà H. tâm sự, bà không biết thuốc lá lại ảnh hưởng tới mình bởi trong căn nhà 5 gian của bà, đâu đâu chẳng váng vất khói thuốc và bà đã quen với nó. Không có mùi thuốc lá bà lại thấy thiếu.
Bác sĩ Đào Ngọc Đức, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết có những người cả đời không không hút thuốc lá nhưng lại mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do họ phải sống và làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc lá. Do vậy cần có quy định cụ thể để mọi người thực hiện được quyền sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc lá.
Hãy bỏ thuốc ngay hôm nay
PGS.TS Vũ Văn Giáp, Tổng Thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, bác sĩ Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, hút thuốc không chỉ ảnh hưởng đến phổi mà nó ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như tim mạch, sức khỏe sinh sản, đường hô hấp, và gây ra nhiều bệnh ung thư (ngoài ung thư phổi còn có ung thư khoang miệng, thanh quản, đường tiêu hóa, đại trực tràng…). Với phụ nữ, khói thuốc còn giảm tỷ lệ thụ thai, dễ sinh non, nhẹ cân…
Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 20-30 bệnh nhân khám ngoại trú mà đa phần là những bệnh nặng liên quan đến phổi tắc nghẽn mãn tính và ung thư phổi giai đoạn muộn do hút thuốc.
PGS.TS Vũ Văn Giáp chỉ ra rằng, trong hơn 7.000 chất độc hại có trong khói thuốc lá, có nhựa hắc ín, 4.000 chất độc hóa học, 50 chất gây ung thư, CO (khí gây khó thở), thuốc trừ sâu… và nicotin (chất gây nghiện).
Khi hút thuốc, các chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá hủy tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến các bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, bệnh về đường hô hấp…
Nếu nguy cơ chết vì bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở người không hút thuốc là 1 thì nguy cơ này tăng lên 66 lần ở người nghiện nặng. Nguy cơ gây ung thư phổi tăng gấp 10 lần.
Tỷ lệ tử vong do ung thư phổi ở nam giới có hút thuốc lá cao hơn gấp 22 lần so với người không hút thuốc lá. Nguy cơ ung thư thực quản tăng gấp 8-10 lần và nguy cơ ung thư thanh quản cao gấp 12 lần so với người không hút thuốc lá. Nguy cơ tai biến mạch máu não tăng gấp 2-4 lần. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 2-3 lần.
Các bác sĩ cảnh báo, hút 1 điếu thuốc lá làm giảm 5,5 phút tuổi thọ. Mỗi giây có 1 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Số người tử vong do thuốc lá gây ra gấp 3 lần số người chết vì HIV và tai nạn giao thông.
Vì vậy, hãy từ bỏ thuốc lá trước khi quá muộn, bởi sau 8 giờ, nhịp tim trở lại bình thường; Sau 1 ngày, nồng độ CO trong máu trở lại bình thường, có nhiều oxy để nuôi cơ thể; Sau 6 tuần, các độc chất trong cơ thể dần được loại bỏ, phổi hoạt động tốt hơn…
Theo Phương Thúy/Infonet