"Lời nói dối hoàn hảo"
Jennifer Pan sinh năm 1986 và từng được cha mẹ coi như "cục vàng". Gia đình cô sống ở thành phố Markham phía bắc Toronto.
Jennifer từng là một học sinh toàn được điểm A ở một trường Công giáo và giành được học bổng đại học. Đúng như mong muốn của cha, cô tốt nghiệp ngành Dược đầy uy tín của trường đại học Toronto, sau đó vào làm việc tại phòng xét nghiệm máu của bệnh viện SickKids.
Thành tích của Jennifer đã làm cho cha mẹ cô, bà Bích Hà và ông Huei Hann Pan tràn ngập tự hào. Ông bà là những người tị nạn từ Việt Nam đến Toronto, và đã phải lao động rất vất vả trong một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô để con cái họ có một tương lai tươi sáng hơn.
Nhưng trong trường hợp của Jennifer, tất cả chỉ là một lời nói dối hoàn hảo. Cô đã không tốt nghiệp trung học và cũng không nhập học đại học Toronto như đã nói với cha mẹ mình.
Có lẽ cha mẹ của Jennifer không thể tưởng tượng được cô con gái "vàng" của họ trong thực tế chỉ là kẻ thất bại.
Chân dung "cô gái vàng"
Vụ án của Jennifer đã xảy ra từ năm 2010 và cô đang thọ án tù chung thân nhưng mới đây, phóng viên Karen Ho, bạn học chung cấp 2 của Jennifer, đã tường thuật lại chi tiết vụ việc giết người trên tạp chí Toronto Life.
Phóng viên Ho đã sử dụng các tài liệu của tòa án và các cuộc phỏng vấn để ghép nối các sự kiện về Jennifer như một kẻ nối dối kinh niên: giả mạo báo cáo học tập, thư học bổng, bảng điểm đại học, tất cả chỉ để giữ hình ảnh hoàn hảo của mình.
Ho viết, trường trung học mà hai người đã từng theo "là một cộng đồng hoàn hảo cho một sinh viên như Jennifer" – một cô gái rất dễ hòa mình với mọi người, với tiếng cười ròn rã, thường nhập bọn với các bạn trai cũng như bạn gái, Á cũng như Âu, thuộc mọi thành phần. Ngoài trường học, Jennifer đi bơi và học võ thuật. Nhưng sau này họ mới "khám phá ra rằng tính cách thân thiện, tự tin chỉ là vỏ bọc, mà bên trong thì Jennifer bị dày vò bởi cảm giác thiếu tự tin, nghi ngờ bản thân và hổ thẹn."
Một trong những dấu hiệu mà ít người nhận ra là những vết cắt trên cánh tay mà Jennifer đã tự cứa vào mình.
Jennifer thực sự không hề ghi danh vào đại học, mà cũng chẳng tốt nghiệp trung học.
Trong bài báo, Ho viết: "Cha mẹ của Jennifer cứ tưởng con gái mình là học sinh giỏi. Thực là cô ấy chỉ thuộc loại trung bình, là điều không có gì lạ nơi những đứa trẻ khác nhưng lại không thể chấp nhận được trong gia đình nghiêm khắc của cô ấy". Jennifer tiếp tục giả mạo học bạ suốt thời trung học và được sự chấp thuận sớm của Đại học Toronto. Nhưng vì rớt điểm đại số nên Jennifer đã không tốt nghiệp trung học, và trường Đại học Toronto đã rút lại đề nghị thu nhận. Jennifer đã nói dối rằng mình sẽ nhập học tại Ryeson vào mùa thu.
Cha cô, ông Hann đã rất vui mừng và mua cho cô ấy một chiếc máy tính xách tay. Jennifer thì thu thập các sách giáo khoa đã qua sử dụng và mua dụng cụ học tập.
Tháng 9 năm đó, Jennifer giả vờ tham dự tuần lễ của tân sinh viên. Cô cũng giả mạo giấy tờ để nhận được một khoản vay và làm cho cha cô tin rằng cô đã nhận được 3.000 USD tiền học bổng.
Jennifer mang cặp sách và sử dụng phương tiện giao thông công cộng làm cho cha mẹ cô tin rằng cô đang đến trường. Tuy nhiên, Jennifer lại đi đến các thư viện công cộng.
Cô cũng nói dối cha mẹ rằng vì chuyển đến Đại học Toronto nên sẽ không đủ vé mời để cha mẹ cô đến dự lễ tốt nghiệp.
Cuối cùng, cha mẹ của Jennifer cũng bắt đầu nghi ngờ, theo dõi cô và biết được sự thật.
Khi Jennifer thú nhận mình đã nói dối, thì cuộc sống trong gia đình cô nhanh chóng suy sụp.
|
Ông Hann và bà Bích - cha mẹ của Jennifer Pan; bên phải là căn nhà của họ ở số 238 Helen Avenue. Ảnh chụp từ trang web của báo Toronto Life. |
Tức nước vỡ bờ
Cha mẹ Jennifer đã nuôi dạy cô và anh trai Felix tin tưởng vào tầm quan trọng tối cao của thành tích học tập và họ hạn chế tối đa các hoạt động của hai anh em. Cuộc sống thời trung học của Jennifer bao gồm nhiều hoạt động ngoại khóa như trượt băng nghệ thuật, piano, võ thuật và bơi lội. Ngoài những đêm dài học hành, Jennifer bị cấm tham dự bất cứ buổi tiệc nào. Hẹn hò là chuyện không thể có được. Trong nhà cô trưng bày rất nhiều giải thưởng.
Khi cha mẹ thấy tất cả những cố gắng của họ không đi đến đâu, họ áp đặt thêm các hạn chế đối với cô con gái nay đã trưởng thành: Không điện thoại, không máy tính xách tay. Không còn những cuộc hẹn bí mật với bạn trai là Daniel Wong nữa.
Mặc dầu cuối cùng thì Jennifer cũng được tự do hơn, cô vẫn căm giận. Cô nghĩ đến cuộc sống tự do hơn nếu không có cha mẹ. Vì vậy, với sự giúp sức của bạn trai Daniel, cô đã âm mưu giết hại hai người đã làm cho cuộc sống của mình giống như bị "quản thúc tại gia".
Báo chí tường thuật vụ việc như một vụ cướp và cảnh sát Markham cảnh báo cư dân về sự kiện người phụ nữ bị giết.
Nhưng sau một vài tuần điều tra, cảnh sát đã tìm ra sự thật. Đây sẽ là lời dối trá cuối cùng của Jennifer, khi khai rằng cha mẹ đã bị kẻ cướp bắn chết chứ không phải vì âm mưu của cô con gái.
Trong phiên xử hồi tháng Giêng năm nay, một tòa án ở Ontario đã kết tội Jennifer và 3 đồng phạm vào tội cố sát và mưu sát. Tất cả đều lãnh án án tù chung thân không có cơ hội giảm án trong vòng 25 năm.
Nỗi đau của người thân
Khi phiên tòa xét xử Jennifer diễn ra vào ngày 23 tháng 1 đầu năm nay, không ai trong số các thành viên gia đình của cô xuất hiện, nhưng cha và anh trai của cô đều nói rằng cuộc sống của họ đã bị đảo lộn bởi vụ tấn công.
Cha của Jennifer cho biết: "Khi tôi mất đi người vợ, tôi cũng đồng thời mất đi đứa con gái. Ngày Bích qua đời, tôi cũng cảm thấy mình đã chết".
Bị ám ảnh bởi những cơn ác mộng và bị cản trở bởi những nỗi đau còn lại, ông Hann cho biết ông không thể làm việc hoặc trở về ngôi nhà mà ông đã cố gắng dành dụm để mua trong 4 năm trời. Bán ngôi nhà đi cũng tỏ ra không thể xóa được vết nhơ của vụ sát hại.
Ông Hann nói: "Tôi hy vọng con gái tôi, Jennifer, nghĩ về những gì đã xảy ra với gia đình của mình và một ngày nào đó nó có thể trở thành người tốt và lương thiện".
Trong khi đó, anh trai của Jennifer - Felix - cho biết, sự sỉ nhục về hành động của em gái sẽ theo anh suốt cuộc đời. Anh nói, ngay cả bây giờ, thật khó để nghĩ đến, hạn chế nói đến mất mát của mình.
Tòa hình sự cũng cho biết Jennifer bắt đầu âm mưu giết cha mẹ mình sau khi họ buộc cô phải lựa chọn giữa họ và bạn trai Daniel, người đã trở thành kẻ buôn bán ma túy.
Nguyên nhân tội ác
Khi trả lời phỏng vấn của tờ Washington Post, phóng viên Ho cho biết: "Đó là một tội ác khủng khiếp. Nhưng vì rất nhiều người đã trải qua tuổi thơ giống như Jennifer nên chuyện sẽ có ai đó không kiềm chế được nữa là điều không phải là điều khôn lường.
Ho cho biết, những kỳ vọng đặt lên nhiều trẻ em người Mỹ gốc Á "tác động mạnh và lâu dài đến khả năng chấp nhận thất bại". Phóng viên Ho cũng viết: "Tôi càng biết nhiều về sự giáo dục nghiêm khắc của Jennifer tôi càng thấy mình giống cô ấy. Tôi lớn lên cùng cha mẹ Á Châu nhập cư vào Canada với hai bàn tay trắng, và cha tôi đã rất kỳ vọng vào tôi".
Ho cho biết thêm: "Bố tôi mong muốn có người con giống như một giải thưởng, thứ mà ông có thể mang đi khoe".
Kể từ khi xuất bản, bài báo đã đánh trúng tâm lý giới trẻ Châu Á nhập cư tại Canada và Mỹ. Họ chia sẻ trên mạng xã hội những câu chuyện về tuổi thơ với đặc điểm chung là những kỳ vọng cao đặt vào mình và nỗi lo sợ tê tái là không đáp ứng được các kỳ vọng đó.
Mời quý độc giả xem thêm video (Nguồn Youtube)
Theo Lao Động