Nước Mỹ tiếp tục oằn mình chống cháy rừng ở California

Google News

Cháy rừng ở Mỹ đã được kiểm soát 1 phần song do gió đổi chiều khiến lửa tiếp tục lan rộng sang nhiều khu vực khác.

Diễn biến cháy rừng lần này ở Mỹ được đánh giá là sự cuồng nộ của tự nhiên trước những hành động có hại của con người.

Nhằm đối phó với các đợt cháy rừng nghiêm trọng, Thống đốc bang California Gavin Newsom ngày 11/1  thông báo tăng gấp đôi số lượng thành viên Vệ binh Quốc gia tại khu vực hạt Los Angeles để hỗ trợ người dân và đảm bảo an ninh giữa đợt cháy rừng nghiêm trọng. Theo tờ The Guardian, tổng số thành viên Vệ binh Quốc gia được triển khai đã tăng lên 1.600 người.

Nuoc My tiep tuc oan minh chong chay rung o California

Gió mạnh làm tro tàn bùng cháy trong khi lính cứu hỏa đang cố gắng dập tắt đám cháy ở Rừng Quốc gia Angeles gần Núi Wilson, trong vụ cháy Eaton ở Altadena. Ảnh: Reuters

Cùng với sự hỗ trợ từ cả nước và các nước láng giềng, trong đó có Canada và Mexico, nhà chức trách Mỹ đã bắt đầu kiểm soát dần các đám cháy tàn khốc tại Los Angeles. Điều này phần nào giải tỏa áp lực cho lực lượng cứu hỏa đã vất vả thời gian dài.

Tuy nhiên, đám cháy lớn nhất đã chuyển sang hướng khác sau khi đã thiêu rụi khoảng 10.000 hecta. Chỉ sau một đêm, lửa hiện đã lan thêm một khu vực rộng hơn 400 hecta. Điều này buộc chính quyền địa phương phải ban bố các lệnh sơ tán mới. Giới chức trách cũng cảnh báo về khả năng điều kiện thời tiết xấu đi trong 72 giờ tới có thể khiến ngọn lửa bùng phát thêm.

“Các điều kiện thời tiết cháy rừng nghiêm trọng được dự đoán sẽ tiếp tục cho đến thứ Tư. Gió Santa Ana vừa phải đến mạnh cục bộ sẽ ảnh hưởng đến Quận Los Angeles vào hôm nay, ngày mai và sau đó là từ Thứ Hai đến Thứ Tư. Chúng tôi đã sẵn sàng ứng phó các đám cháy của Quận Los Angeles. Những cơn gió này, kết hợp với không khí khô và thảm thực vật khô, sẽ duy trì mối đe dọa cháy rừng ở Quận Los Angeles ở mức cao”, ông Anthony Marrone, người đứng đầu lực lượng cứu hỏa LosAngeles nói.

Ước tính số người thiệt mạng vì cháy rừng tại Los Angeles, bang California, Mỹ hiện  đã tăng lên 13. Con số thiệt hại được cho là sẽ tăng khi điều kiện đủ an toàn để các lính cứu hỏa có thể kiểm tra từng ngôi nhà trong phạm vi đám cháy.

Cùng với số người thiệt mạng gia tăng, các đám cháy cũng đã thiêu rụi hơn 12.000 ngôi nhà, buộc 153.000 người phải đi sơ tán. Với hàng nghìn người mất nhà cửa và tình trạng khói dày đặc, giới chức Mỹ cũng đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Nnhiều trường học và địa điểm công cộng hiện đã phải đóng cửa do cháy rừng gây ra khói mù. Ước tính thiệt hại do cháy rừng lần này ở Mỹ có thể lên đến 150 tỷ USD.

Đây là vụ hỏa hoạn nghiêm trọng nhất lịch sử bang California trong vòng 100 năm qua. California thường chứng kiến các vụ cháy rừng trong tháng 6-7 và có thể kéo dài đến tháng 10 hằng năm. Tuy nhiên, trận cháy rừng quy mô lớn hiện nay lại xảy ra vào tháng 1, tức là thời điểm mùa Đông lạnh nhất ở California.

Có nhiều nguyên nhân, cả trực tiếp và gián tiếp, lý giải cho sự bất thường này. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều có chung nhận định “cơn thịnh nộ của Mẹ Trái đất” mà California đang phải hứng chịu chính là hệ quả tất yếu của tình trạng biến đổi khí hậu và Trái Đất ấm lên, mà trong đó con người chính là tác nhân chính.

“Tác động rõ ràng của biến đổi khí hậu trong tình huống này là số ngày trung bình trong năm mà thảm thực vật dễ cháy đã tăng gấp đôi kể từ những năm 1980. Vì vậy, mùa cháy rừng đã kéo dài hơn và dài hơn ở California”, Ông Lindon Pronto, chuyên gia quản lý cháy cấp cao của Viện nghiên cứu rừng châu Âu nhận xét.

Theo nghiên cứu của Đại học California, các nhà khoa học đã phát hiện các đám cháy ở miền Tây nước Mỹ ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn, với tình trạng khẩn cấp về khí hậu làm tăng nguy cơ hỏa hoạn 25% ở California. Giới nghiên cứu tính toán rằng tình trạng khẩn cấp về khí hậu do con người gây ra đã góp phần làm tăng 172% các khu vực hỏa hoạn ở California kể từ những năm 1970 và tình trạng này sẽ còn trầm trọng hơn trong 1 thập kỷ tới.  

Theo Hồng Nhung/Báo điện tử VOV