Vui chơi nhưng phải giữ gìn sức khỏe
Lễ hội luôn là khoảng thời gian được mong chờ nhất trong năm khi người người nhà nhà gác lại công việc bộn bề để lên đường đi du lịch, khám phá những vùng đất mới. Không khí rộn ràng, nhịp sống sôi động, các hoạt động giải trí liên tiếp diễn ra, khiến ai cũng muốn “cháy” hết mình để tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ.
Tuy nhiên, chính trong những ngày vui ấy, sức khỏe lại dễ bị “bỏ quên”. Lịch trình vui chơi dày đặc, ăn uống thất thường, thay đổi thời tiết đột ngột, môi trường đông đúc,… là những yếu tố khiến cơ thể dễ suy giảm đề kháng, dễ mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, sốt siêu vi, thậm chí là kiệt sức do vận động quá mức.

Bảo vệ sức khỏe mùa lễ hội là điều vô cùng cần thiết. (Ảnh minh họa).
Không ít người đi chơi về lại… nhập viện, khiến niềm vui nhanh chóng nhường chỗ cho mệt mỏi và lo lắng. Chính vì vậy, việc bảo vệ sức khỏe khi đi chơi lễ không phải là chuyện “phụ” hay “tùy hứng”, mà nên là điều được ưu tiên hàng đầu. Chỉ khi cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái thì chuyến đi mới trọn vẹn và ý nghĩa. Một chút chủ động, một chút chuẩn bị và ý thức giữ gìn sức khỏe sẽ giúp bạn tận hưởng niềm vui lễ hội một cách an toàn, trọn vẹn và đáng nhớ hơn bao giờ hết.
7 lưu ý giữ gìn sức khỏe trong ngày lễ
1. Ăn uống điều độ, hợp vệ sinh
Ẩm thực địa phương luôn là một phần hấp dẫn trong các chuyến đi. Tuy nhiên, việc thử các món ăn lạ, ăn uống thất thường hoặc ăn ở nơi không đảm bảo vệ sinh có thể khiến cơ thể đối mặt với nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.
Để phòng tránh, nên ưu tiên các món đã nấu chín kỹ, hạn chế ăn sống, hải sản tươi sống hoặc các loại nước đá không rõ nguồn gốc. Cũng nên ăn đúng bữa và không bỏ bữa để tránh ảnh hưởng đến dạ dày, đặc biệt là với người có bệnh lý tiêu hóa. Đối với những người có chế độ ăn kiêng hoặc dị ứng thực phẩm, nên tìm hiểu kỹ trước khi dùng bữa. Đừng vì vui mà ăn uống "thả ga" bởi điều đó có thể khiến chuyến đi mất vui.
Nên mang theo một ít thực phẩm dự phòng như: bánh quy, trái cây sấy, các loại hạt cũng là cách giúp duy trì năng lượng trong những lúc di chuyển dài hoặc không tiện dừng ăn.

Tìm hiểu kỹ các địa điểm ăn uống muốn thưởng thức khi đi du lịch. (Ảnh minh họa).
2. Trang phục phù hợp với thời tiết và hoạt động
Chọn trang phục phù hợp không chỉ giúp cơ thể thoải mái, linh hoạt khi di chuyển mà còn giúp bảo vệ sức khỏe. Nếu đi biển, nên mang theo nón rộng vành, kính râm, áo dài tay nhẹ để chống nắng; nếu lên rừng hay leo núi, quần dài, giày thể thao chống trơn trượt sẽ là lựa chọn an toàn.
Tránh mặc đồ quá dày hoặc quá mỏng, đặc biệt trong điều kiện thời tiết thay đổi bất thường. Với trẻ nhỏ, người lớn tuổi hay người có bệnh mãn tính, nên chuẩn bị thêm áo khoác, khăn choàng để giữ ấm khi cần. Ngoài ra, nên chọn chất liệu thấm hút mồ hôi tốt để tránh tình trạng ẩm ướt gây cảm lạnh hoặc kích ứng da.
Đừng quên mang theo áo mưa nhẹ, dù gấp, bởi thời tiết có thể không như dự báo. Trang phục phù hợp không chỉ là yếu tố thời trang, mà còn là "tấm khiên" bảo vệ sức khỏe suốt hành trình.
3. Nghỉ ngơi hợp lý để giữ gìn sức khoẻ
Lịch trình dày đặc, ham vui chơi đôi khi khiến bạn bỏ qua nhu cầu nghỉ ngơi của cơ thể. Nhưng thiếu ngủ, mệt mỏi kéo dài là nguyên nhân khiến hệ miễn dịch suy giảm, dễ đau đầu, cảm cúm hoặc thậm chí kiệt sức.
Hãy lên kế hoạch tham quan hợp lý, đừng cố "chạy show" quá nhiều điểm đến trong một ngày. Buổi trưa nên dành thời gian nghỉ ngắn nếu có thể. Ban đêm, cố gắng ngủ đủ giấc, tránh sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử khiến cơ thể mất ngủ. Nếu di chuyển bằng xe hoặc máy bay đường dài, hãy tranh thủ chợp mắt và chọn tư thế ngồi thoải mái nhất.
Với trẻ nhỏ, đừng để các bé thức quá khuya hoặc ăn uống ngay trước giờ ngủ. Một giấc ngủ ngon giúp cơ thể tái tạo năng lượng, tinh thần minh mẫn sẽ giúp bạn có thêm sức khỏe để tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ.

Có thể tranh thủ chợp mắt khi đang di chuyển để lấy năng lượng. (Ảnh minh họa).
4. Uống đủ nước khi tham gia các hoạt động ngoài trời
Dưới cái nắng gay gắt của mùa lễ, đặc biệt trong các hoạt động ngoài trời như: leo núi, tắm biển, đi bộ tham quan, cơ thể dễ mất nước mà bạn không nhận ra. Mất nước có thể gây mệt mỏi, choáng váng, đau đầu và ảnh hưởng đến chức năng thận. Hãy mang theo chai nước cá nhân và uống đều đặn ngay cả khi chưa khát. Nếu hoạt động nhiều hoặc đổ mồ hôi nhiều, bạn có thể dùng thêm nước bù điện giải. Tránh lạm dụng nước ngọt có gas, rượu bia vì chúng có thể khiến cơ thể mất nước nhiều hơn.
Với trẻ nhỏ và người già, cần chú ý nhắc họ uống nước thường xuyên vì nhóm này thường ít cảm thấy khát. Ngoài ra, nếu di chuyển đến nơi có nguồn nước không đảm bảo, hãy dùng nước đóng chai hoặc nước đã đun sôi. Một cơ thể đủ nước là nền tảng cho sức khỏe ổn định trong suốt chuyến đi.
5. Chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm
Du lịch dịp lễ thường kéo theo lượng lớn người di chuyển, tụ tập, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh như cảm cúm, COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng,… Vì thế, hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa: đeo khẩu trang ở nơi đông người, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách khi có thể.
Đối với người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch yếu, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước chuyến đi. Tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là cúm và COVID-19, cũng là cách bảo vệ sức khỏe. Khi thấy dấu hiệu mệt mỏi, sốt, ho kéo dài,… nên dừng hoạt động và tìm đến cơ sở y tế thay vì cố gắng tiếp tục di chuyển. Sức khỏe là ưu tiên hàng đầu, và việc phòng bệnh là cách tốt nhất để kỳ nghỉ không trở thành gánh nặng.

Đeo khẩu trang ở nơi đông người để tránh các bệnh truyền nhiễm. (Ảnh minh họa).
6. Trang bị một số loại thuốc và vật dụng y tế cần thiết
Không ai muốn bị bệnh khi đi du lịch, nhưng việc chuẩn bị sẵn một số loại thuốc thông dụng sẽ giúp bạn xử lý kịp thời các tình huống nhỏ mà không cần tìm kiếm hiệu thuốc trong khu vực lạ. Nên mang theo thuốc đau đầu, hạ sốt, tiêu hóa, thuốc dị ứng, thuốc say tàu xe, thuốc nhỏ mắt, xịt mũi, cùng băng cá nhân, dung dịch sát trùng.
Với người có bệnh nền như: cao huyết áp, tiểu đường, hen suyễn,… cần mang đủ thuốc đang sử dụng và toa thuốc dự phòng. Đừng quên mang theo bảo hiểm y tế hoặc thẻ bảo hiểm du lịch (nếu có) để dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế khi cần. Tốt nhất, hãy sắp xếp túi y tế nhỏ gọn, dễ lấy trong ba lô, đề phòng trường hợp cần dùng ngay. Chuẩn bị kỹ càng sẽ giúp bạn an tâm hơn, nhất là khi di chuyển xa, đến vùng cao hoặc hải đảo.
7. Tránh để côn trùng cắn, đốt
Khi đến vùng núi, rừng, hồ suối hoặc ngay cả một số khu du lịch sinh thái, bạn có thể dễ dàng gặp phải muỗi, ve, kiến lửa hoặc côn trùng gây hại. Các vết cắn không chỉ gây ngứa ngáy, sưng đỏ mà còn có thể truyền bệnh như: sốt rét, sốt xuất huyết...
Để phòng tránh, nên mặc quần áo dài tay, sáng màu; sử dụng kem chống côn trùng hoặc tinh dầu thiên nhiên như sả, bạc hà. Khi cắm trại hoặc nghỉ đêm ở nơi có nhiều cây cối, hãy kiểm tra kỹ màn, lều, chăn chiếu trước khi sử dụng. Đừng quên giũ kỹ quần áo trước khi mặc lại.
Nếu chẳng may bị côn trùng đốt, nên rửa sạch bằng xà phòng và bôi thuốc chống ngứa, theo dõi dấu hiệu dị ứng. Đối với trẻ nhỏ, việc chống côn trùng là đặc biệt quan trọng vì da bé mỏng, dễ bị tổn thương. Phòng tránh từ đầu sẽ giúp bạn tránh được nhiều phiền toái sau này.
AN THANH