Trầm cảm sau sinh: Tiểu thư nhà giàu ôm con nhảy lầu, mẹ trẻ ở quê gieo mình xuống sông

Google News

Với nhiều người, trầm cảm sau sinh chỉ là một cách nói lẩn tránh trách nhiệm, là sự yếu đuối hoặc thậm chí bị gán ghép bằng những cụm từ cay nghiệt như “đạo đức giả”, “làm quá”, “chảnh”.

Nhưng có lẽ, chỉ những ai từng một lần rơi vào khoảng lặng ấy – nơi không có ánh sáng và cũng chẳng có lối ra mới hiểu trầm cảm sau sinh là một nỗi ám ảnh âm thầm, giết chết tinh thần và cả thể xác theo cách đau đớn nhất.

Cách đây vài năm trước, dư luận chấn động trước thông tin về một bi kịch xảy ra tại khu chung cư cao cấp Jun Yifeng, Hong Kong. Vào lúc 4 giờ chiều ngày 6/1/2020, một người phụ nữ đã rơi từ trên cao xuống, ôm theo đứa con nhỏ trong tay. Cả hai mẹ con không qua khỏi. Điều khiến nhiều người bàng hoàng hơn cả là danh tính của nạn nhân – cô Luo Lili, 34 tuổi, quốc tịch Mỹ, con gái duy nhất của tỷ phú bất động sản Luo Lin.

Danh tính của nạn nhân là con gái duy nhất của tỷ phú bất động sản Luo Lin.

Một cuộc đời tưởng như trọn vẹn từ sắc vóc, học thức, tiền tài và danh tiếng, ấy vậy mà vẫn không thể chống chọi nổi với cơn bão tâm lý hậu sản. Theo kết quả điều tra ban đầu của cảnh sát, không loại trừ khả năng cô đã mắc chứng trầm cảm sau sinh. Triệu chứng đặc trưng nhất là cảm giác muốn kết thúc cuộc sống của chính đứa con mình rứt ruột sinh ra. Trong trường hợp nặng, người mẹ có thể rơi vào trạng thái loạn thần, thậm chí ảo giác và nghe những giọng nói chỉ trích mình liên tục, thúc đẩy những hành động tiêu cực ngoài tầm kiểm soát.

Không phải ai cũng có điều kiện vật chất như Luo Lili, nhưng không vì thế mà nỗi đau của họ ít hơn. Trầm cảm sau sinh không phân biệt giàu nghèo, chỉ lặng lẽ gặm nhấm từng tế bào tinh thần, đặc biệt là khi người mẹ cảm thấy cô độc trong hành trình chăm con.

Ngày 8/4 vừa qua, một vụ việc đau lòng tương tự đã xảy ra tại Việt Nam. Chị N.T.H.T. (33 tuổi), trú tại xã Ea Phê, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, được xác nhận tử vong sau nhiều ngày mất tích. Trước đó, vào ngày 20/3, chị nhập viện sinh con đầu lòng bằng phương pháp mổ. Bé trai ra đời khỏe mạnh, nặng 3,2kg. Gia đình tưởng chừng đã hạnh phúc trọn vẹn. Thế nhưng, vài ngày sau xuất viện, khi con phải nhập viện trở lại vì biến chứng hô hấp, chị T. bắt đầu có biểu hiện bất thường.

Chị T. bỏ con trong bệnh viện rồi tự ý rời đi cho đến khi được phát hiện đã tử vong (Ảnh: Gia đình nạn nhân cung cấp)

Ngày 5/4, chị bất ngờ rời khỏi bệnh viện, để con lại cho người thân chăm sóc. Gia đình lo lắng, tổ chức tìm kiếm khắp nơi, không ngờ rằng đến sáng 6/4, chị được phát hiện đã nhảy cầu tự tử, nghi do trầm cảm sau sinh. Nỗi đau không chỉ đọng lại trong từng ánh mắt người thân, mà còn là lời cảnh tỉnh cho xã hội rằng đã đến lúc cần nhìn nhận trầm cảm sau sinh như một căn bệnh thực sự, chứ không phải “chiêu trò” hay “sự yếu đuối” của phụ nữ.

Trầm cảm sau sinh không chỉ là những giọt nước mắt âm thầm vào đêm khuya, không chỉ là cảm giác tội lỗi khi thấy mình không đủ tốt để làm mẹ, mà còn là cuộc chiến cam go giữa lý trí và những tiếng thì thầm tự hủy hoại bên trong. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần một lời hỏi han đúng lúc, một cái nắm tay đủ ấm từ chồng hay gia đình, cũng có thể là chiếc phao cứu sinh giúp người mẹ vượt qua vực thẳm.

Thay vì phán xét, hãy học cách lắng nghe. Thay vì hoài nghi, hãy dang tay nâng đỡ. Bởi đằng sau nụ cười của một bà mẹ mới sinh có thể là cả bầu trời áp lực mà không ai nhìn thấy được. Trầm cảm sau sinh không phải là một lời biện hộ mà đó còn hồi chuông cảnh tỉnh để mỗi gia đình, mỗi cộng đồng cùng hành động, trước khi quá muộn.

Xem thêm video:

Nguồn video: Sức khoẻ & Đời sống

THY DUNG