Rét buốt ở miền Bắc kéo dài đến đầu tuần sau
Miền Bắc đang là cao điểm của không khí lạnh
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 8/2, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Trung Trung Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.
Chiều vào tối nay, bộ phận không khí lạnh này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác Trung Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh lên cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4, có nơi có gió giật cấp 6.
![](https://img-4.kienthuc.net.vn/upload/1-2025/images/thuyhb/tin-tuc-24h-ret-buot-o-mien-bac-keo-dai-den-dau-tuan-sau-00-1739011734-80-width660height550.jpg)
Miền Bắc rét đậm rét hại đến hết ngày 10/2.
Ở Bắc Bộ trời rét đậm, rét hại; khu vực Bắc Trung Bộ trời rét đậm; khu vực từ Quảng Bình đến Huế trời rét, có nơi rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ phổ biến từ 9-12 độ, vùng núi 5-8 độ, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ; ở khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến 11-14 độ, ở khu vực từ Quảng Bình đến Huế phổ biến 14-16 độ.
Khu vực Hà Nội trời rét đậm, rét hại. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến 10-12 độ.
Đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 10/2. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên từ ngày 8-9/2, khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa, mưa rào, cục bộ có nơi mưa to và dông.
Vùng núi cao Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.
Trời rét đậm, rét hại, mưa tuyết và băng giá có khả năng ảnh hưởng đến gia súc, gia cầm; ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Đại diện cơ quan khí tượng khuyến cáo, trong đợt rét này, vùng núi cao Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá. Trời rét đậm, rét hại, mưa tuyết và băng giá có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, hoạt động sản xuất nông nghiệp như chăn nuôi gia súc, gia cầm và quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Nồm ẩm kéo dài đến đầu tháng 4
Nhận định thời tiết nồm ẩm nhiều khả năng diễn ra trong thời gian tới, ngày 7/2, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết nồm ẩm sẽ diễn ra trong giai đoạn từ cuối tháng 2 và kéo dài đến tháng 4 năm 2025.
Các đợt nồm ẩm thường kéo dài từ 3-5 ngày, có đợt kéo dài cả tuần. Hiện tượng này chỉ chấm dứt hoặc thay đổi khi gió mùa Đông Bắc tràn về. Theo quy luật khí hậu, tháng Hai hằng năm vẫn là tháng chính của mùa Đông. Do đó, không khí lạnh vẫn còn tác động mạnh đến nước ta.
Từ cuối tháng Hai trở đi, không khí khô được thay thế bằng khối không khí ẩm. Giai đoạn này, các tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ chuyển sang trạng thái mưa nhỏ, mưa phùn, sương mù, trời rét về đêm và sáng.
"Hiện tượng thời tiết nồm ẩm sẽ diễn ra phổ biến ở khu vực miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội từ cuối tháng Hai đến tháng Tư hằng năm. Trong giai đoạn nồm ẩm, độ ẩm không khí tăng cao trên 85% kèm theo mưa phùn, sương mù gây ẩm ướt nhà, các công trình dân dụng và các vật dụng thiết yếu," ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết.
Thời tiết nồm ẩm gây trở ngại cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Độ ẩm cao cũng là môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh về đường hô hấp, dị ứng, nhất là đối với trẻ nhỏ và người già.
Công bố 6 phương thức tuyển sinh năm 2025 tại Đại học Huế: Tiếp tục xét tuyển học bạ một số ngành
Ngày 8/2, thông tin từ Đại học (ĐH) Huế cho biết, đơn vị vừa công bố 6 phương thức tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2025.
Cụ thể, phương thức 1 là xét tuyển sử dụng kết quả học tập cấp THPT (điểm học bạ). Theo đó, ĐH Huế xét tuyển sử dụng kết quả kết quả học tập THPT năm 2025 cho một số ngành đào tạo; điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển là điểm trung bình chung mỗi môn học (làm tròn đến 1 chữ số thập phân) của 2 học kỳ năm học lớp 11 và 2 học kỳ năm học lớp 12; điểm xét tuyển là tổng điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển cộng với điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng nếu có (làm tròn đến 2 chữ số thập phân).
![](https://img-4.kienthuc.net.vn/upload/1-2025/images/thuyhb/tin-tuc-24h-ret-buot-o-mien-bac-keo-dai-den-dau-tuan-sau-1-1739011825-554-width645height484.jpg)
Sẽ có 6 phương thức tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2025 tại ĐH Huế.
Phương thức 2 là xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT (điểm thi tốt nghiệp THPT). ĐH Huế xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho tất cả các ngành đào tạo; điểm các môn, bài thi trong tổ hợp môn xét tuyển được lấy từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Phương thức 3 là xét tuyển sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực (ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TPHCM).
Việc xét tuyển sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TPHCM áp dụng đối với một số ngành đào tạo. Điểm xét tuyển là điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM năm 2025.
Việc xét tuyển sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TPHCM áp dụng đối với Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế. Điểm xét tuyển là tổng điểm các môn thi đánh giá năng lực trong tổ hợp môn xét tuyển vào ngành.
Phương thức 4 là xét tuyển sử dụng điểm học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp với điểm thi năng khiếu. Điểm xét tuyển là điểm học bạ (4 học kỳ) hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 kết hợp với điểm thi môn năng khiếu do ĐH Huế tổ chức hoặc một số trường trên toàn quốc.
Phương thức 5 là xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. ĐH Huế xét tuyển thẳng thí sinh là đối tượng được quy định theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Phương thức 6 là xét tuyển theo phương thức riêng của các đơn vị đào tạo trong ĐH Huế. Đơn vị này sẽ ưu tiên xét tuyển thí sinh đạt các tiêu chí riêng của các đơn vị đào tạo trong ĐH Huế đối với một số ngành tuyển.
Kết quả đo nồng độ cồn, ma túy tài xế xe khách tai nạn làm 3 người chết ở Phú Yên
Ngày 8-2, cơ quan chức năng thị xã Sông Cầu (Phú Yên) cho biết đã có kết quả kiểm tra ma túy, nồng độ cồn đối với tài xế Phạm Quốc Huy (40 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai). Ông Huy là người điều khiến xe khách tông vào dải phân cách trên Quốc lộ 1 ở thị xã Sông Cầu vào sáng cùng ngày khiến 3 người tử vong và 7 người bị thương.
![](https://img-4.kienthuc.net.vn/upload/1-2025/images/thuyhb/tin-tuc-24h-ret-buot-o-mien-bac-keo-dai-den-dau-tuan-sau-2-1739011896-949-width640height472.webp)
Chiếc xe khách trong vụ tai nạn.
Theo đó, kết quả kiểm tra cho thấy tài xế âm tính với ma túy, nồng độ cồn bằng không. Người này cũng có giấy phép lái xe hạng C.
Trước đó vào 1 giờ sáng cùng ngày, tài xế Huy điều khiển xe khách chở 24 người lưu thông trên Quốc lộ 1 theo hướng Bắc - Nam. Khi đến khu vực thôn Hòa Hiệp (xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu) thì phương tiện này bất ngờ tông vào dải phân cách.
Vụ tai nạn khiến 3 người tử vong tại chỗ, gồm: chị Đỗ Thị Kim Chi (33 tuổi, ngụ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), anh Trần Công Anh (23 tuổi, ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) và chị Trần Thị Song Thương (ngụ huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam).
Bảy hành khách bị thương gồm: Lương Thị Diễm Trinh (23 tuổi, ngụ huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa), Nguyễn Ngọc Lành (22 tuổi), Nguyễn Thị Thanh Lan (39 tuổi), Nguyễn Thanh Bảo Ngân (17 tuổi), Nguyễn Hữu Trung (25 tuổi, cùng ngụ TP Đà Nẵng), Đỗ Thành Long (20 tuổi, ngụ huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) và Huỳnh Thị Chính (28 tuổi, ngụ TP Cần Thơ).
Về chiếc xe khách trong vụ tai nạn, phương tiện này thuộc chủ sở hữu là Công ty TNHH MTV CTTC NHSG Thương Tín (quận 3, TP HCM) cho Công ty TNHH Tân Kim Chi (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) thuê với thời hạn từ tháng 1-2025 đến tháng 7-2025; có thời hạn kiểm định đến ngày 25-12-2025.
Đột nhập nhà hàng xóm trộm vàng
Ngày 8/2, thông tin từ Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, đơn vị vừa làm rõ, bắt giữ Giản Viết Hoàng (19 tuổi, trú xã Ea Hu, huyện Cư Kuin).
Theo điều tra ban đầu, khoảng 18h ngày 8/12/2024, Hoàng biết gia đình bà Lê Thị Sử (53 tuổi) ở gần nhà đi dự tiệc tân gia, nên nảy sinh ý định đột nhập trộm cắp tài sản.
![](https://img-4.kienthuc.net.vn/upload/1-2025/images/thuyhb/tin-tuc-24h-ret-buot-o-mien-bac-keo-dai-den-dau-tuan-sau-7-1739011940-435-width645height363.jpeg)
Đối tượng Hoàng tại cơ quan công an
Sau đó, Hoàng đi đến cửa sổ phía sau nhà bà Sử giật mở cửa sổ rồi đột nhập vào trong. Do quen biết với nhà bà Sử nên Hoàng đi thẳng đến phòng ngủ của vợ chồng bà lục lấy cắp 6 chiếc nhẫn, tổng khối lượng 10 chỉ vàng, trị giá hơn 80 triệu đồng.
Sáng hôm sau, Hoàng mang 4 chiếc nhẫn vàng đến một cửa hàng vàng bạc bán được 57,4 triệu đồng. Sau đó, Hoàng mua 1 chiếc điện thoại Iphone 15 Pro. Số tiền còn lại Hoàng mua 3 chỉ vàng rồi đưa về nhà cất cùng số vàng còn lại.
Hiện Công an huyện Cư Kuin đang củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng Hoàng theo quy định của pháp luật.
H.A