Sức mạnh thực sự của người khôn ngoan bắt đầu từ 2 chữ này

Google News

Một người sở dĩ có thể sống ngày càng tốt hơn chính là vì biết học cách im lặng, tiết kiệm năng lượng cho bản thân.

Giả vờ hiểu biết, trông có vẻ thông minh nhưng thực ra chỉ là khôn vặt. Hiểu biết mà im lặng, thậm chí giả ngốc, thực chất là trí tuệ.

Hemingway từng nói rằng: “Con người mất 2 năm để học nói, nhưng phải dùng cả đời để học cách im lặng”.

Người thực sự thông minh thà nói ít vài câu còn hơn tự rước rắc rối vào mình. Suy cho cùng, sai lầm lớn nhất mà con người không nên mắc phải chính là những sai lầm nhỏ nhặt. Ví như vì không kiểm soát được miệng mình mà cuối cùng mang đến đủ loại phiền phức nhỏ nhặt cho cuộc sống.

Cuộc đời này, lời nói thốt ra không chỉ là sự kết hợp đơn giản của các con chữ mà còn là sự bộc lộ tình cảm nội tâm và cảnh giới làm người. Bởi vậy, hãy học cách giữ gìn miệng lưỡi của bạn, làm tốt việc của mình, như vậy là đủ.

Im lặng là một loại tu dưỡng

Nếu như vừa mở miệng đã bị người khác chê cười, thậm chí đắc tội với người khác, vậy thì thà im lặng còn hơn. Im lặng vừa là một loại năng lực, lại càng là một loại tu dưỡng.

Giống như việc nếu một người luôn luyên thuyên, có quá nhiều lời oán than, thậm chí hễ động một chút là than phiền cái này, lo lắng cái kia. Bản thân người đó chắc chắn sẽ vì vậy mà trở nên thụ động hơn, ngày càng có nhiều người không thích họ.

Suy cho cùng, khi một người bộc lộ hết những thói hư tật xấu của bản chất con người ra ngoài, người khác sẽ đề phòng bạn. Dù ý định ban đầu của bạn không phải như vậy, tính cách và suy nghĩ cá nhân cũng thực sự không giống như người khác nghĩ. Nhưng làm sao người ta có thể thông qua vẻ bề ngoài của bạn rồi dành thêm thời gian và tâm sức để hiểu được nội tâm của bạn?

Thế giới này, ai cũng vội vã. Nếu bạn luôn thể hiện quá nhiều, luyên thuyên nói, ngay cả giả vờ cũng không biết thì bạn sẽ không kiểm soát được miệng mình, không kiểm soát được lời nói của bản thân, ngày càng mang đến cho bản thân nhiều phiền phức và áp lực hơn.

Có câu: “Làm việc không thể tùy tiện theo ý mình, nói chuyện không thể tùy tiện theo miệng”.

Lời nói trong nhiều trường hợp còn gây tổn thương hơn cả bạo lực và khiến người ta cảm thấy khó chịu hơn. Chi bằng học cách im lặng, đường đường chính chính làm người, trong sạch làm việc. Những điều nên nói, những điều không nên nói đều phải được suy nghĩ kỹ trước khi hành động. Như vậy, chúng ta mới có thể sống ngày càng đáng tin cậy hơn.

Im lặng cũng là một loại trí tuệ

Trong cuộc sống này, phiền não của con người đa phần đến từ các mối quan hệ xã hội. Khi bạn không biết cách hòa hợp với những người xung quanh, sau này, cuộc sống của bạn sẽ dễ rơi vào cô đơn và khổ sở. Và phần lớn những người không xử lý tốt các mối quan hệ là do không biết giữ gìn miệng lưỡi của mình.

Có rất nhiều người như thế. Họ nghĩ rằng mối quan hệ giữa họ và những người mà họ gọi là người quen đã đủ tốt rồi. Bởi vậy, họ dễ tự cho mình là đúng, đặt mình ở vị trí cao hơn để nhìn xuống đối phương, khiến người khác cảm thấy họ như ở trên cao, ngạo mạn. Hơn nữa, vì cảm thấy chỉ có mình là đúng nên họ thao thao bất tuyệt, thậm chí khẳng định mình luôn đúng, người sai là người khác.

Kết quả là khi gặp phải một số vấn đề, họ sẽ không để ý đến cảm xúc của bất kỳ ai. Họ nghĩ gì nói nấy, khiến người khác cảm thấy họ thích dạy đời, có cảm giác ưu việt rất cao.

Gabriel García Márquez viết trong tác phẩm "Trăm năm cô đơn": “Bí mật của một tuổi già hạnh phúc không gì khác ngoài ký kết một hiệp ước tử tế với sự cô đơn”.

Một người sở dĩ có thể sống ngày càng tốt hơn chính là vì biết học cách im lặng, tiết kiệm năng lượng cho bản thân. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình luôn đúng, người khác đều là sai.

Thực tế, khi một người có tầm nhìn càng lớn và nhận thức càng cao thì người đó càng cảm thấy mình nên im lặng, tĩnh lặng mà suy nghĩ. Sau đó, họ âm thầm dựa vào chính mình mà tu dưỡng, mà trưởng thành, mà cô đọng trí tuệ, từng bước tiến tới ngày mai hạnh phúc.

Im lặng là một trạng thái của tâm trí

Có câu nói rằng: “Tu dưỡng bản thân lấy tâm trong sáng làm trọng, bước vào đời lấy cẩn trọng lời nói làm đầu”.

Người thực sự đạt đến cảnh giới, xưa nay đều vô cùng kiềm chế, lý trí và có tầm nhìn xa. Suy cho cùng, đời người chỉ có thể dựa vào chính mình mới có thể sống ngày càng tốt hơn.

Nói cách khác, chúng ta cần biết giữ khoảng cách cần thiết với người khác, giữ lại sự chừng mực. Như vậy, khi cần im lặng, nhất định phải kịp thời và dứt khoát im lặng, không dây dưa, không gây chuyện.

Cuối cùng, bản thân bớt phiền phức cũng có nghĩa là mình có nhiều thời gian và tâm sức hơn để làm những việc có giá trị và ý nghĩa hơn. Sau đó, chúng ta tự nhiên có thể sống thản nhiên hơn, thoải mái hơn và nhất định có thể dựa vào chính mình để đạt được những trải nghiệm tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

BẢO ANH.